VCCI: 5 mục tiêu và 3 đột phá trong nhiệm kỳ mới

19:56' - 25/12/2021
BNEWS Trong nhiệm kỳ mới, VCCI sẽ thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, liên kết doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hiện chuyển đổi số.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan này đang dự thảo phương hướng và nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ VII, giai đoạn 2021-2026.

Theo đó, sẽ tập trung thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hiện chuyển đổi số; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hiệu quả hoạt động của VCCI.

Thông điệp đưa ra là quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI sẽ hướng tới doanh nghiệp vững mạnh – đất nước thịnh vượng.

Năm mục tiêu chung và một số chỉ tiêu cụ thể cũng sẽ được triển khai trong nhiệm kỳ tới, bao gồm tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố; thu hút 5.000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, xây dựng và triển khai bộ chỉ số xanh, thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương, doanh nghiệp; tổ chức mỗi năm ít nhất 20 chương trình sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam; tăng từ 10% đến 15% số lượng hội viên chính thức và thu hút 40% các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia vào hội viên tập thể của VCCI.

Để đạt được những mục tiêu trên, VCCI cũng xác định 3 đột phá chiến lược. Theo đó, tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho việc thành lập phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Song song đó, tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; chú trọng xây dựng, khuyến và thực hiện các quy ước chuẩn mực đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử của doanh nhân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tập trung thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số, các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn an ninh mạng, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục