VCCI: Đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi tuân thủ Luật Chăn nuôi

10:17' - 09/01/2022
BNEWS Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc bổ sung các quy định về điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020.

Phản hồi đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; đồng thời, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc bổ sung các quy định về điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng đơn giản hơn, cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục theo hình thức “văn bản xác nhận, chấp thuận” hoặc theo hình thức khác mà không cần xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Qua đó, giúp giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp, giảm gánh nặng về cấp phép cho cơ quan quản lý. Các điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hoàn toàn có thể được kiểm tra bằng hình thức hậu kiểm, song vẫn bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.

 

Trường hợp vẫn giữ lại quy định về cấp giấy chứng nhận, VCCI đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục như: Thời gian thẩm định hồ sơ xuống còn 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ; thời gian đánh giá thực tế xuống còn 5 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định hồ sơ; thời gian cấp giấy chứng nhận xuống còn 2 ngày kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế.

Đồng thời, việc quy định thời gian 35 ngày từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ cho đến khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như dự thảo là quá dài và hoàn toàn có thể rút ngắn hơn nữa thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện.

Liên quan tới quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số quy định như: Cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này; cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.

Đối với các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu chữ nước ngoài, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn tự dịch và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, hoặc doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công chứng bản dịch, khi đó cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối hồ sơ vì lý do bản dịch không chính xác.

Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, VCCI nhận thấy quy định thẩm quyền cấp phép của Cục Chăn nuôi thường gây tốn kém về chi phí và mất thời gian hơn đối với các doanh nghiệp so với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong khi đó, nếu các điều kiện kinh doanh được quy định rõ ràng, minh bạch thì các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ các công việc này. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu, bên nhập khẩu.

Việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, dự thảo yêu cầu: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp”. Do đó, Điều 11 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định về tần suất kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi 12 tháng/lần là đã chạm mức trần về tần suất kiểm tra.

Trong trường hợp có sự trùng lặp về kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì các cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, với quy định này thì thực tế khả năng doanh nghiệp phải chịu nhiều hơn 1 lần thanh tra, kiểm tra với các nội dung trùng lặp là rất cao.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng quản lý dựa vào rủi ro như: Doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn (bên cạnh các quy định riêng cho doanh nghiệp có chứng nhận quản lý chất lượng (ISO), thực hành tốt (GMP) hay HCAPP (quy định tại điểm a, khoản 5).../.

>>Chăn nuôi gia cầm tiếp tục đối mặt với giá thức ăn ở mức cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục