Vì sao doanh nghiệp du lịch niêm yết giảm lỗ?

12:27' - 04/02/2022
BNEWS Với sự "tàn phá" của dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch niêm yết đều bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhưng không ít doanh nghiệp đã linh hoạt đẩy mạnh tái cơ cấu và đạt kết quả tích cực.

Trong 2 năm qua, với sự "tàn phá" của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp du lịch niêm yết đều bị ảnh hưởng rất nặng nề, thua lỗ kéo dài, cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo, thậm chí có nguy cơ bị hủy niêm yết. Trong bối cảnh đó, không ít các doanh nghiệp đã linh hoạt đẩy mạnh tái cơ cấu, qua đó ghi nhận kết quả tích

*Đẩy mạnh tái cơ cấu 

Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á (Mã: DAH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với kết quả khá tích cực bất chấp đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch, lữ hành thời gian qua.

Cụ thể, trong quý IV/2021, DAH ghi nhận mức doanh thu thuần lên gần 376 tỷ đồng, trong khi ở cùng kỳ năm 2020, con số này chỉ vỏn vẹn hơn 43 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt gần 25 tỷ đồng, tăng hơn 178% so với cùng kỳ (quý IV/2020, công ty âm gần 31,5 tỷ đồng).

Theo giải trình của lãnh đạo công ty, sở dĩ doanh thu bán hàng quý IV của công ty tăng đột biến so với cùng kỳ là nhờ doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu mở thêm ngành nghề kinh doanh. Qua đó, giúp công ty ký được nhiều hợp đồng kinh tế đem lại lợi nhuận cao, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh lữ hành, du lịch.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào giữa tháng 5/2021, Hội đồng quản trị công ty đã xin ý kiến cổ đông về việc sẽ bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là xây dựng, san lấp mặt bằng và kinh doanh thương mại, vật liệu xây dựng. Với tiền thân từ một đơn vị thi công xây lắp đã thi công nhiều công trình quan trọng, sự thay đổi này rõ ràng đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2021.

Bên cạnh đó, kể từ quý III/2021, khách sạn Đông Á Plaza (đặt tại tỉnh Thái Nguyên) cũng được lãnh đạo công ty tăng cường đẩy mạnh lượng khách lưu trú đến từ chuyên gia tại các khu công nghiệp, qua đó đóng góp không nhỏ cho doanh thu của công ty.

Nhờ việc tái cơ cấu mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, lợi nhuận sau thuế của DAH trong năm 2021 ghi nhận chuyển biến rất tích cực, đạt trên 39 tỷ đồng, trong khi năm 2020 âm hơn 33 tỷ đồng và nửa đầu năm 2021, DAH vẫn trong trạng thái bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 khi lợi nhuận chỉ ở mức 465 triệu đồng.

Mới đây, DAH tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp khi công bố tạm ngừng kinh doanh Công ty TNHH Đông Á Nha Trang kể từ ngày 16/1 đến 31/12/2022 do kinh doanh không hiệu quả.

Công ty cổ phần Du lịch – Dịch vụ Hội An (mã: HOT) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với một số điểm đáng chú ý. Dù lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý IV, song đã giảm lỗ hơn 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lãnh đạo công ty, với mục tiêu giảm lỗ, năm 2021, công ty đã chuyển sang khai thác thị trường đón công dân từ nước ngoài hồi hương và cách ly có thu phí tại 2 khách sạn trực thuộc. Theo đó, doanh thu quý IV/2021 tăng hơn so với cùng kỳ hơn 5 tỷ đồng, tăng 170%.

Mặt khác, HOT cũng luôn tăng cường các biện pháp giám sát và cắt giảm các khoản chi phí nên phần nào giảm lỗ từ hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận từ hoạt động bán thanh lý tài sản cố định tại các đơn vị thành viên cũng đã góp phần giảm lỗ toàn công ty.

Nhờ các giải pháp trên, tính chung cả năm 2021, công ty lỗ gần 21 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 4 tỷ đồng so với năm 2020. Tuy nhiên, “tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt xuất hiện chủng mới với tốc độ lây lan nhanh nên khả năng khai thác đối đa doanh thu vẫn không đảm bảo đạt được ngưỡng hòa vốn.Thêm vào đó, các khoản chi phí thường xuyên như bảo trì, vệ sinh… và các khoản định phí không thể giảm nên hiệu quả kinh doanh của công ty vẫn trong tình trạng lỗ, dù tất cả khoản chi phí này công ty đang kiểm soát rất tốt”, lãnh đạo HOT cho biết.

Tại Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (mã: BTV), báo cáo tài chính quý IV/2021 cũng cho thấy công ty giảm lỗ tới 44% so với cùng kỳ nhờ việc cắt giảm chi phí bán hàng cũng như chi phí doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (mã: VNG) tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, song lãnh đạo công ty cũng cho biết, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, công ty đã tìm kiếm các giải pháp tăng doanh thu trong mùa dịch từ việc chuyển đổi công năng khách sạn sang cung cấp dịch vụ cách ly và phát triển các sản phẩm mới. Đồng thời, tiến hành tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như củng cố lại cơ sở vật chất, đào tạo nhân sự chuẩn bị mùa du lịch mới.

Là công ty đầu ngành, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (mã: VTR) cũng không nằm ngoại xu hướng bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Tại hội thảo trực tuyến tổ chức tháng 12/2021, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên phụ thuộc vào tâm lý xã hội và hoạt động kinh tế. Do đó, Vietravel đã xây dựng kế hoạch chuyển công ty sang trạng thái "ngủ đông tích cực", giữ nền tảng cơ bản nhất của hệ thống để vẫn hoạt động, tập trung vào công tác xã hội, giải quyết vấn đề marketing để khách du lịch không quên doanh nghiệp. Đồng thời, kỳ vọng du lịch có thể phục hồi trở lại từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi nhu cầu di chuyển tăng lên.

* Cơ hội đầu tư

Theo thống kê của Fiinpro, trong năm 2021, du lịch và giải trí là một trong 3 nhóm ngành có mức tăng điểm thấp nhất trên thị trường chứng khoán khi chỉ tăng 6,3%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 36% của chỉ số chứng khoán chung VN-Index.

Xét về thanh khoản, giao dịch của nhóm cổ phiếu du lịch còn mờ nhạt hơn rất nhiều khi hầu hết đều nằm trong trạng thái nằm im hoặc giao dịch với khối lượng khớp lệnh chỉ vài nghìn đơn vị. Hầu hết các cổ phiếu du lịch có vốn hóa nhỏ đều nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 là số âm.

Diễn biến ảm đạm của nhóm cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán cũng tương quan với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 lên nhóm ngành này. Báo cáo tài chính quý IV/2021 của các công ty du lịch niêm yết đang công bố cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thua lỗ do sức tàn phá nặng nề của dịch COVID-19.

Tuy bức tranh chung của ngành vẫn rất ảm đạm, song trong nghịch cảnh COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã phải chật vật tìm kiếm các giải pháp thích ứng, tăng doanh thu. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp ghi nhận tín hiệu tích cực hơn trong quý IV/2021 nhờ việc tái cơ cấu, tiết giảm chi phí tối đa.

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán KB (KBSV), tuy chưa thể như giai đoạn trước dịch, song ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong năm 2022. Lĩnh vực này mới đây cũng cho những tín hiệu tích cực hơn nhờ các yếu tố như các đường bay nội địa và quốc tế đang được mở lại theo lộ trình của Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles) từ 1/1/2022. Nhiều nước cũng đã đồng ý nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam. Chính sách này không chỉ giúp ngành du lịch được hưởng lợi mà còn có nhiều lĩnh vực khác, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài được hưởng lợi theo.

Bên cạnh đó, du lịch nội địa hoạt động trở lại từ quý IV/2021, tương ứng với chỉ số Google Mobility (các chỉ số về tính di động của Google áp dụng cho Việt Nam) đang nhích tăng so với mức thấp cuối tháng 9/2021.

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 - 2023; đồng thời, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị một số giải pháp để khôi phục du lịch quốc tế.

Với những giải pháp khôi phục kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, các công ty du lịch niêm yết kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại. Cổ phiếu ngành du lịch theo đó có thể sôi động trở lại. Hiện giá cổ phiếu của các công ty du lịch đều rất thấp. Đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư dài hạn mua vào để đón đầu cơ hội phục hồi của ngành trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục