Vì sao doanh nghiệp Việt chưa khai thác hiệu quả thương mại điện tử?

16:13' - 22/04/2023
BNEWS Mặc dù thương mại điện tử đang là kênh bán hàng hiệu quả trên thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Việt khai thác hiệu quả công cụ này.

Thương mại điện tử đang là kênh bán hàng hiệu quả trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt khai thác hiệu quả công cụ này mà chỉ xem đây là kênh bán hàng phụ bên cạnh các kênh phân phối truyền thống nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân chủ đề "Thúc đẩy hàng Việt tham gia thương mại điện tử trong nước và quốc tế" do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức, ngày 22/4.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA cho biết, hoạt động thương mại điện tử đã diễn ra khá lâu và không còn là chủ đề mới nhưng lại rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và trong nước đều sụt giảm, tạo nên áp lực rất lớn lên doanh số bán hàng của doanh nghiệp.

Trong thực tế chung, hầu hết doanh nghiệp Việt đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù đã nỗ lực tìm kiếm thị trường nhưng hiện nay các thị trường truyền thống đều đang khó khăn, cầu bị thu hẹp do ảnh hưởng của lạm phát.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, để xoay sở, tìm kiếm khách hàng ở thị trường mới phải có sự đổi mới trong tổ chức hoạt động phân phối, tiêu thụ hàng hoá, khai thác thị trường ngách. Thương mại điện tử là kênh tiếp cận khách hàng nhanh, ít tốn kém, có thể giúp doanh nghiệp thăm dò, nhận phản hồi từ khách hàng ở các thị trường mới, thị trường ngách, từ đó điều chỉnh, cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Ông Lê Văn Tòng,  Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên Hiệp hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)  thông tin, Saigon Co.op hiện là nhà bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất với tổng số 800 điểm bán hàng trải dài trên 42 tỉnh, thành phố với khoảng 1 triệu giao dịch mua bán mỗi ngày. Đây cũng là kênh phân phối khuyến khích khách hàng đi theo xu hướng thị trường và hiện đại, chủ động áp ụng điện toán hoá và công nghệ 4.0 vào hoạt động thương mại.

Saigon Co.op cũng đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng Việt ra các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, châu Âu… theo những phương thức riêng biệt và bền vững. Ước tính năm 2022 Saigon Co.op đóng góp vào doanh số xuất khẩu nông sản qua các nước ASEAN trên 70 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Tòng, Việt Nam có lợi thế để phát triển thương mại điện tử khi hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, kết nối internet. Đặc biệt, giai đoạn đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân tìm hiểu và dần hình thành thói quen mua sắm online.

Với thế mạnh hiện có 5 triệu khách hàng thân thiết và 1 triệu khách hàng thường xuyên mua sắm trên kênh online, Saigon Co.op không ngừng mở rộng hợp tác cung ứng hàng hoá với các đơn vị sản xuất, đặc biệt ưu tiên hàng Việt thông qua kết nối kinh tế, giao thương với các vùng kinh tế khắp cả nước để khai thác các sản phẩm đặc sản là thế mạnh của từng địa phương, giúp tạo ra hiệu quả kinh tế, nâng cao vị thế nông sản Việt trong khu vực và thế giới.

Saigon Co.op cũng hỗ trợ nhà cung cấp cung ứng hàng hóa, sản phẩm phù hợp với các mô hình bán lẻ đa dạng của mình, tập trung khai thác các mặt hàng theo thế mạnh riêng của từng nhà cung cấp để phát triển nhóm hàng chủ lực, tăng hiệu quả kinh doanh cho cả hai bên.

Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc OSB Group (đại lý của sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam) thông tin, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tạiViệt Nam đang đạt mức trên 20%/năm. Người mua hàng thế giới trên sàn thương mại điện tử Alibaba đang có xu hướng chọn nhà cung cấp Việt Nam do những năm gần đây nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có sự trỗi dậy mạnh mẽ, có lợi thế hơn về mặt cung ứng, thuế quan so với Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ đã hợp tác thương mại cùng Alibaba và đạt được mức tăng trưởng cao về đơn hàng, doanh thu xuất khẩu từ 70-80%. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận thương mại điện tử như một kênh phụ, không có nhân viên kinh doanh trực tuyến, đăng tải sản phẩm lên gian hàng trực tuyến ít và chậm nên khó đạt được hiệu quả về mặt doanh số, đơn hàng như mong muốn.

"Để tham gia sân chơi thương mại điện tử xuyên quốc gia và đạt được hiệu quả cao, bản thân doanh nghiệp phải có sản phẩm xuất khẩu được, giá sản phẩm phải cạnh tranh so với các đối thủ cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định thương mại điện tử là kênh kinh doanh chính thức để đầu tư tương xứng về mặt nhân sự chuyên trách và hoạt động tích cực trên nền tảng online, sẵn sàng đáp ứng khách hàng mọi lúc mọi nơi.", ông Trần Đình Toàn chia sẻ.

Ông Huy Nguyễn, Giám đốc điều hành Kardia Labs nhận định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có xu hướng co hẹp do ảnh hưởng suy giảm kinh tế nhưng ở một số lĩnh vực vẫn có những tệp khách hàng sẵn sàng mua sắm.

Điển hình như các bộ sưu tập thời trang, đồ mỹ nghệ "độc bản", được thiết kế riêng và giới hạn vẫn được đặt mua rất nhanh chóng ngay khi ra mắt. Trong khi đó, thực tế sản xuất của Việt Nam rất đa dạng sản phẩm nhưng chưa có tính nhận diện thương hiệu và chưa được ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp cận, tương tác với khách mua cuối cùng.

Vì vậy, để khai thác hiệu quả thị trường thế giới, các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, may mặc, thủ công mỹ nghệ cần đẩy nhanh chuyển đổi số, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, hướng tới cung cấp sản phẩm được cá nhân hoá cho khách hàng với giá cao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với bán hàng đại trà như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục