Vì sao Hàn Quốc nên duy trì lập trường tăng lãi suất?

06:30' - 26/01/2023
BNEWS Theo giới quan sát, Hàn Quốc nên tiếp tục thúc đẩy các cải cách cũng như xu hướng tăng lãi suất, cho dù lạm phát giảm và nguy cơ tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa quyết định
tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,5% để đối phó với áp lực lạm phát kéo dài. Đây là lần đầu tiên BoK tăng lãi suất cơ bản liên tục 7 lần và là mức cao nhất trong vòng 14 năm kể từ tháng 11/2008.

Thống đốc BoK Rhee Chang-yong khẳng định, mặc dù có khả năng tăng trưởng GDP năm 2023 của Hàn Quốc có thể thấp hơn dự báo trước đó của BoK là 1,7% song ngân hàng vẫn quyết định tăng lãi suất để ổn định giá cả. Tỷ lệ lạm phát ở Hàn Quốc sẽ tăng lên 5% trong tháng 1/2023 và tháng 2/2023 nhưng có thể sẽ giảm dần do ảnh hưởng của hiệu ứng cơ sở và áp lực nhu cầu ngày càng nghiêm trọng để cuối cùng giá cả sẽ ở mức kiểm soát mà Chính phủ Hàn Quốc đề ra hồi tháng 11/2022 là 3,6%.

Theo nhà báo William Pesek - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Nhật Bản hóa: Những điều thế giới có thể học được từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản”, Thống đốc BoK Rhee Chang-yong nên tiếp tục thúc đẩy các cải cách cũng như xu hướng tăng lãi suất, cho dù lạm phát giảm và nguy cơ tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại.

Vào tháng 8/2021, dưới thời Thống đốc BoK lúc đó là ông Lee Ju-yeol, BoK đã là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Vị thế độc lập của ngân hàng trung ương tiếp tục được củng cố sau khi ông Rhee Chang-yong, nguyên nhà kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trở thành Thống đốc BoK vào tháng 4/2022.

Kể từ đó, ông Rhee Chang-yong đã thúc đẩy lập trường bình thường hóa môi trường lãi suất của Hàn Quốc. Ông Rhee Chang-yong cũng thẳng thắn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của mình, thường xuyên tham gia vào các cuộc tranh luận nhạy cảm về các vấn đề nằm ngoài quyền quản lý của ngân hàng trung ương như vấn đề thị trường lao động cần linh hoạt hơn, các chính sách giải quyết vấn đề dân số già và tỷ lệ sinh thấp, cải thiện giáo dục trong nước và thu hút nhân tài nước ngoài.

Tuy nhiên, trong những phát biểu mới đây, ông Rhee Chang-yong thể hiện sự sẵn sàng phối hợp chặt chẽ hơn với chính phủ để nền kinh tế lớn thứ tư "hạ cánh mềm" giữa vô số mối đe dọa toàn cầu. Ông Rhee Chang-yong từng đề cập đến việc biện pháp kích thích kinh tế tương tự như của Nhật Bản có thể thu hẹp dư địa của các chính sách cải thiện động lực kinh tế vi mô. Phát biểu của ông Rhee Chang-yong đã khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi: liệu tư duy kinh tế ưu tiên vĩ mô truyền thống đó lại một lần nữa chiếm thế chủ đạo tại BoK hay không.

Tại các nền kinh tế Đông Á, việc ngân hàng trung ương "phối hợp" với chính phủ thường có nghĩa là “mở van” nguồn tín dụng và hậu quả đi kèm có thể gây cản trở cải cách cơ cấu. Các thống đốc BoK đã làm điều đó thường xuyên vào những năm 1990 và kể cả sau này, đến tận gần đây khi chính sách nới lỏng tiền tệ được đảo ngược.

Nhìn lại bài học từ nước láng giềng Nhật Bản, kể từ khi nền kinh tế bong bóng vỡ vào những năm 1980, các nhà lãnh đạo Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã liên tục đưa ra các biện pháp nới lỏng định lượng quy mô lớn. Những nỗ lực đó đã làm giảm tính cấp bách của các vấn đề dài hạn như bộ máy cơ cấu quan liêu, thiếu sự đổi mới, thiếu sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế hay cải thiện sự phụ thuộc vào đồng yen yếu. Giờ đây, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang thảo luận về một "chủ nghĩa tư bản mới" và sự phát triển ổn định của các “kỳ lân” khởi nghiệp công nghệ Nhật Bản.

Với kinh nghiệm của mình, ông Rhee Chang-yong hẳn nhận ra cái giá của chính sách “tiền rẻ” trong bối cảnh BoK phải đối mặt với một năm đầy những yếu tố không chắc chắn. Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, vào thời điểm cao nhất chỉ dao động quanh mức 40%, và hầu hết các chính sách ban đầu của ông Yoon Suk-yeol kể từ khi nắm quyền vào tháng 5/2022 chưa thực sự gây ấn tượng. Thống đốc BoK Rhee Chang-yong có thể thúc đẩy các cải cách dựa trên vai trò lớn của các ngân hàng trung ương trong nền kinh tế kể từ giữa những năm 1990.

Nhìn sang Nhật Bản, BoJ đã cắt giảm lãi suất xuống 0 trong gần 24 năm và hiện vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Giờ đây, BoJ về cơ bản đang bị mắc kẹt với quyết định này. Việc BoJ tăng gấp đôi biên độ dao động lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm đã gây sốc cho thị trường với nhiều chuyên gia ngay lập tức coi động thái này là bước khởi đầu của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, và chỉ cần một thay đổi nhỏ về lãi suất của Nhật Bản có thể kích hoạt một đợt bán tháo nguy hiểm trên thị trường tài chính.

Về phía Hàn Quốc, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á kết thúc, các chính phủ của Hàn Quốc đã cam kết dân chủ hóa quyền lực kinh tế tập trung trong tay các tập đoàn gia đình như Samsung và Hyundai. Mặc dù bối cảnh và tình hình kinh tế ở mỗi thời điểm khác nhau, nhưng mỗi tổng thống đều nhìn thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ này cũng như vai trò của BoK.

Điều đó đã khiến Hàn Quốc đứng vững trong các cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó, nhưng lại hạn chế khả năng xây dựng sức mạnh kinh tế khi sóng gió đã đi qua. Trên thực tế, ngay cả khi môi trường công nghệ Hàn Quốc có thể tạo ra nhiều “kỳ lân” hơn, thì các tập đoàn lớn vẫn đóng vai trò đầu tàu và vị thế thượng phong.

Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát có thể tăng lên khi kinh tế Trung Quốc mở cửa hậu COVID-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu mới trên thị trường toàn cầu. Vấn đề nợ hộ gia đình của Hàn Quốc có thể trở nên trầm trọng hơn. Với nợ hộ gia đình ở mức hơn 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Hàn Quốc nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi Hàn Quốc có những điều chỉnh kinh tế vi mô, chứ không phải nới lỏng chính sách tiền tệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục