Vì sao Malaysia chậm phê chuẩn Hiệp định CPTPP?

06:32' - 08/02/2019
BNEWS Chính quyền mới được thành lập tại Malaysia sau cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 14 vào tháng 5/2018 đã nhắc lại mối quan ngại về ảnh hưởng của CPTPP và kêu gọi xem xét lại tác động của hiệp định này.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: AFP/TTXVN 
Trang mạng viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore mới đây đăng bài bình luận về việc Malaysia trì hoãn phê chuẩn Hiệp định CPTPP của Tiến sĩ Tham Siew Yean là thành viên cao cấp tại viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore. Nội dung như sau:
Malaysia đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong vòng đàm phán thứ ba vào tháng 10/2010 và ký Hiệp định vào tháng 2/2016 với 11 thành viên sáng lập khác. Việc Mỹ rút khỏi TPP-12 là một tổn thất lớn đối với Malaysia vì đây là nguồn chính cho lợi nhuận xuất khẩu tiềm năng của Malaysia về mặt tiếp cận thị trường do không có thỏa thuận song phương giữa hai nước. 
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (hoặc TPP-11) thay thế TPP-12 do đó kém hấp dẫn hơn đối với Malaysia. Tuy vậy, Malaysia đã trở thành một bên ký kết CPTPP vào ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile do những thay đổi trong thỏa thuận mới trong khi chính quyền tại thời điểm đó cũng rất muốn tiếp tục tham gia với các quốc gia TPP-11 khác. 
Mặc dù nội dung đàm phán của thỏa thuận ban đầu về cơ bản vẫn được duy trì, 20 điều của TPP-12 đã tạm thời bị hoãn lại, bao gồm các cam kết mạnh mẽ về sở hữu trí tuệ mà Mỹ đã nêu ra trước đó. Cụ thể, 11 trong số 20 điều khoản thuộc sở hữu trí tuệ. 
Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và các nhà đầu tư (ISDS), CPTPP đã thu hẹp các cơ chế có sẵn để các nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện nước nhận đầu tư.
Tuy nhiên, chính quyền mới được thành lập tại Malaysia sau cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 14 vào tháng 5/2018 đã nhắc lại mối quan ngại về tác động và những ảnh hưởng tiềm tàng của Hiệp định và đã kêu gọi xem xét lại tác động của Hiệp định đối với Malaysia. 
Cần lưu ý rằng chính quyền trước đó đã thực hiện hai nghiên cứu tác động, một từ Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ISIS) và một nghiên cứu từ tổ chức Pricewaterhouse Coopers. Kết quả từ hai nghiên cứu này cũng đã được thông báo tới người dân Malaysia. Theo đó, các điều kiện hạn chế về các vấn đề như ISDS, Quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và mua sắm chính phủ tiếp tục được công chúng Malaysia bày tỏ sự quan tâm. 
Cho đến nay, chính quyền mới tại Malaysia chưa đưa ra thời hạn phê chuẩn thỏa thuận. Ngoài ra, chính phủ nước này cho biết sẽ chỉ phê chuẩn CPTPP sau khi chính quyền chắc chắn rằng Hiệp định có lợi cho đất nước.
Trong khi các cuộc tranh luận về việc phê chuẩn Hiệp định được đặt ra về các vấn đề cụ thể, mối quan tâm nằm nhiều hơn về ý nghĩa rộng lớn hơn của việc phê chuẩn thỏa thuận. CPTPP được cho là một Hiệp định toàn diện và tiến bộ, đòi hỏi phải có những cải cách trong quản trị của một quốc gia. 
Những kẻ gièm pha gọi đây là một hạn chế đối với không gian chính sách của một quốc gia. Tuy nhiên, cải cách, bao gồm cải cách thể chế, là lời hứa khi vận động tranh cử của chính quyền mới trước và sau cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 14. 
Những cải cách cần có trong CPTPP nên được coi là cải thiện quản trị và phê chuẩn Hiệp định do đó sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến thế giới rằng Malaysia thực sự đang tiến lên trong chương trình cải cách. Chính xác là chương trình cải cách này dự kiến sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai, bằng cách thu hút niềm tin của nhà đầu tư cả bên trong lẫn bên ngoài đất nước.
Vậy điều gì đang cản trở chính quyền mới phê chuẩn Hiệp định? Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ám chỉ vấn đề này khi ông đưa ra lý lẽ để nghiên cứu thêm về tác động của CPTPP, đó là thành phần đa sắc tộc của Malaysia và sự phân phối tài sản không đồng đều giữa các sắc dân. 
Do đó, chính tác động phân phối của CPTPP đã kìm hãm sự phê chuẩn - nỗi sợ phê chuẩn và mở cửa nền kinh tế cũng như quản trị tốt hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến người Malaysia thuần chủng (Bumiputeras) và làm gia tăng căng thẳng chủng tộc ở nước này. Điều này phù hợp với quan điểm của chính quyền mới rằng nhu cầu của Bumiputeras được đảm bảo. 
Chính sách kinh tế mới (NEP) theo đó duy trì chế độ ưu đãi dưới danh nghĩa phân phối thu nhập tốt hơn giữa các chủng tộc, do đó sẽ được duy trì, mặc dù dựa trên nhu cầu và không dành riêng cho một sắc dân nào. Theo đuổi NEP đã tác động trở lại đối với các cải cách cần thiết trong CPTPP, chẳng hạn như cải cách của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty liên kết với chính phủ (GLC).
Do đó, cốt lõi của vấn đề mà Malaysia gặp phải hiện nay là chính sách thương mại của nước này phải vượt qua ranh giới giữa nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng thông qua tự do hóa tiến bộ và nhu cầu tiếp tục các chính sách ưu đãi. Nhưng không phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ có hậu quả lớn đối với tương lai của chính quyền mới khi sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ bầu cử của cử tri trong vài năm nữa, nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm trong những năm tiếp theo. 
Trì hoãn phê chuẩn Hiệp định càng lâu càng tốt, nếu không phải là mãi mãi, cũng không phải là câu trả lời vì các quốc gia khác, kể cả các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam đang tiến lên. Theo mặc định, việc đứng yên cũng giống như di chuyển ngược về nền kinh tế mở rộng của Malaysia. Liệu Malaysia có thể thực sự đủ khả năng để bỏ lỡ CPTPP?/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục