Vì sao Mỹ đầu tư quá ít tại Trung Quốc?

05:30' - 06/05/2017
BNEWS Đầu tư nước ngoài của Mỹ vào Trung Quốc hiện vẫn ở mức rất thấp. Trong khi đó, dù đối mặt với những rào cản tương tự, đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với Mỹ.
Vì sao Mỹ đầu tư quá ít tại Trung Quốc?Ảnh: Reuters

Phân tích về vấn đề này, tờ “Thời báo tài chính” ở nước Anh cho rằng thương mại và tiền tệ là những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về kinh tế giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc.

Theo kế hoạch 100 ngày được Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tại Mar-a-Lago (Florida, Mỹ), hai quốc gia sẽ tập trung vào việc cải thiện tình trạng mất cân bằng trong thương mại song phương.

Tuy nhiên, động thái mới đây liên quan đến việc Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với thép phần nào cho thấy những xung đột thương mại tiềm tàng giữa hai cường quốc kinh tế.

Những người theo chủ nghĩa dân túy cho rằng việc Mỹ đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường việc làm và thương mại.

Tuy nhiên, thực tế là trong 20 năm vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại Trung Quốc chỉ tương đương 1-2% tổng FDI của nền kinh tế lớn nhất thế giới tại nước ngoài, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 20% FDI của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Trung Quốc hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Mỹ lại đầu tư quá ít vào Trung Quốc như vậy?

Xét tương quan với EU, Mỹ và EU có quy mô tương đương về tổng sản lượng kinh tế cũng như giá trị thương mại song phương với Trung Quốc. Trong 20 năm qua, mỗi năm EU đầu tư khoảng 4% tổng số FDI vào thị trường Trung Quốc, cao gấp đôi so với Mỹ.

Theo báo cáo phân tích được thực hiện dựa trên các số liệu kinh tế trong giai đoạn 2008-2011, FDI của EU vào Trung Quốc luôn cao hơn so với Mỹ trên cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Mấu chốt của vấn đề là các thế mạnh của EU trong lĩnh vực sản xuất đáp ứng được nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Máy móc và thiết bị vận tải cũng như các sản phẩm cao cấp nhắm tới khách hàng cá nhân và công ty là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU vào Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu này từng bước dẫn dắt dòng vốn FDI xâm nhập thị trường và thiết lập các cơ sở sản xuất tại địa phương.

Ngược lại, ba loại hàng hóa xuất khẩu chính của Mỹ sang Trung Quốc trong 10 năm qua bao gồm hạt có dầu và ngũ cốc, các sản phẩm hàng không và rác thải tái chế (gồm kim loại vụn và giấy loại), đều không có sự gia tăng đáng kể về FDI.

Ngay cả đối với lĩnh vực hàng không, cho đến gần đây Boeing vẫn không cho phép phát triển các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, trong khi Airbus của châu Âu đã có các trung tâm sản xuất từ năm 2008 và đã tăng quy mô sản xuất sau khi Trung Quốc mở rộng dịch vụ bay nội địa.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu ô tô từ Mỹ vào Trung Quốc đã tăng mạnh, nhưng phần lớn sự gia tăng này lại dựa vào dòng xe đa dụng SUV hạng sang của châu Âu như Audi và Mercedes.

FDI của Mỹ tại Trung Quốc chỉ tương đương 1-2% tổng FDI của Mỹ tại nước ngoài. Ảnh: Reuters

Mặc dù được sản xuất tại Mỹ, song theo chính sách thuế của Bắc Kinh, các sản phẩm này được nhập vào Trung Quốc với mức giá thấp hơn so với sản phẩm ô tô tương tự được sản xuất tại Trung Quốc. Điều đáng nói là số FDI liên quan đến việc xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc này lại được tính cho châu Âu chứ không phải Mỹ.

Một nguyên nhân khác là Trung Quốc rất hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là công nghệ thông tin và viễn thông, luật, bảo hiểm và tài chính, trong khi đây lại chính là thế mạnh của các công ty Mỹ.

Mặc dù nhiều công ty lớn của Mỹ đã có sự hiện diện rõ nét ở Trung Quốc như các thương hiệu thức ăn nhanh - bao gồm McDonald's - hay các chuỗi khách sạn, song các công ty này chỉ cho thuê thương hiệu hay nhượng quyền kinh doanh mà không sở hữu chi nhánh bản địa và do đó không được tính vào số liệu FDI chính thức.

Thêm vào đó, trong đàm phán hiệp định đầu tư song phương, chính quyền của ông Trump lại không muốn khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp của cả Mỹ và châu Âu đang hoạt động hoặc đang tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc, việc tự do hóa các chính sách đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại mới và có thể sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong nước.

Chính vì lẽ đó, việc đạt được một thỏa thuận đầu tư song phương là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cả Mỹ và EU.

>>> Nhà đầu tư phương Tây cần nhìn nhận theo lăng kính của các nước mới nổi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục