Vì sao ngành hàng không và du lịch Singapore chưa thể sớm phục hồi?

06:30' - 27/08/2021
BNEWS Tờ Business Times (Singapore) mới đây đăng bài bình luận của tác giả Tay Peck Gek về tác động của khách du lịch Trung Quốc đối với sự phục hồi ngành hàng không và du lịch của Singapore.

Động thái gần đây của Chính phủ Singapore trong việc tuyên bố chuẩn bị tái mở cửa biên giới với Đức và Brunei là rất đáng hoan nghênh và khen ngợi. Tuy nhiên, dù thông báo này là niềm vui lớn dành cho những người đang có nhu cầu đi lại thăm thân và giao tiếp xã hội tại Singapore cùng hai quốc gia nói trên, đối với lĩnh vực du lịch và vận chuyển, sự hồi đáp không mấy tích cực. 

Biện pháp Làn Đi lại Tiêm chủng - làn dành cho những hành khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 - được công bố vào tuần trước và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 8/9/2021. Đây là một cách tiếp cận được tính toán kỹ lưỡng và cẩn thận để dần mở cửa trở lại biên giới Singapore. Điều quan trọng là biện pháp này cũng sẽ mang lại những kinh nghiệm, bài học để nước này học hỏi và cải thiện các quy trình cần thiết trước khi mở rộng biên giới hơn nữa và đón nhiều du khách.

Có thể hiểu rằng việc mở cửa biên giới là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Singapore. Đại dịch COVID-19 đã làm sụt giảm lượng hành khách đi lại nhộn nhịp tại sân bay Changi xuống chỉ còn tương đương khoảng 3% của con số 60 triệu lượt hành khách mỗi năm trong giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra. Và tình trạng ảm đạm này vẫn đang tiếp diễn dù đại dịch đã xuất hiện trong hơn một năm qua.

Các hãng hàng không, các sân bay và khách sạn không phải là đối tượng duy nhất chịu ảnh hưởng từ COVID-19. Ngành du lịch và lữ hành cũng đang phải "gồng mình" hỗ trợ hàng nghìn người lao động và các doanh nghiệp khác tại Singapore.

Do đó, khi có thông báo rằng biện pháp Làn Đi lại Tiêm chủng sẽ giúp giảm bớt khoảng thời gian phải cách ly tại nhà ở cả hai đầu (Singapore tới Brunei, Đức và ngược lại) cho những hành khách đã tiêm vaccine đến từ hai quốc gia này, thì phản ứng của công chúng nhìn chung là thuận lợi, đồng tình, cho dù cả hai quốc gia đều không phải là thị trường có lượng khách du lịch hàng đầu của Singapore trước đại dịch.

Theo thống kê của Cơ quan Du lịch Singapore (STB), Brunei và Đức lần lượt xếp thứ 27 và 15 về số lượng hành khách tới Singapore tính theo khu vực địa lý, với 72.600 và 380.760 lượt khách du lịch vào năm 2019.

Trong khi đó, cùng năm đó, Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường "cung cấp" đến 488.540 lượt du khách và đóng góp tới 507 triệu SGD doanh thu từ khách du lịch cho Singapore. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi Hong Kong và Singapore trước đó đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hướng tới việc đạt được một "bong bóng du lịch" giữa hai bên. 

Dù vậy, mỗi lần một "bong bóng du lịch hàng không không cần cách ly" chuẩn bị được công bố thì cả hai bên lại đều đón nhận những diễn biến mới liên quan đến đại dịch. Kết quả là, những nỗ lực về một "bong bóng du lịch hàng không" giữa Singapore và Hong Kong vẫn chưa có "trái ngọt". 

Cũng giống như Hong Kong (Trung Quốc), là một trung tâm hàng không, Singapore hiểu rất rõ rằng Trung Quốc Đại lục là một mục tiêu kỳ vọng tạo ra sự khác biệt thực sự trong việc đón các khách du lịch tới Singapore.

Khách du lịch từ Trung Quốc đến Singapore đã lên tới con số 3,63 triệu lượt người vào giai đoạn trước khi dịch COVID-19. Con số này còn lớn hơn cả số 2,78 triệu lượt khách từ Mỹ và châu Âu cộng lại, và gấp gần 10 lần so với lượng khách đến từ Đức trong năm 2019. 

Trong thời gian ở Singapore, khách du lịch người Trung Quốc Đại lục đã chi tiêu hơn 4,1 tỷ SGD - chưa bao gồm chi tiêu cho việc tham quan, giải trí và chơi game trong năm 2019. Để so sánh, khách du lịch Đức đã chi 317 triệu SGD. Do đó, một thỏa thuận thực sự có ý nghĩa là một thỏa thuận đi lại giữa hai nước với Trung Quốc đại lục. 

Tuy nhiên hiện tại, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược "nói Không với COVID-19", đối nghịch với chiến lược sống chung với bệnh đặc hữu COVID-19 mà Singapore đang hướng tới. Đã có một số ý kiến cho rằng Singapore nên quay trở lại chiến lược "nói Không với COVID-19" vì tiềm năng du lịch từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục còn nhiều thứ để đạt được.

Mặc dù vậy, ngay cả khi Singapore làm điều đó thì không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc Đại lục sẵn sàng mở cửa biên giới với Singapore. Thứ nhất, Trung Quốc Đại lục có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, đây là một trở ngại cho việc cho phép dòng người di chuyển tự do hơn. Một ca lây nhiễm COVID-19 đơn lẻ có thể nhanh chóng nhân lên và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn cho một cộng đồng có khả năng miễn dịch kém hơn so với một cộng đồng đang đạt đến tỷ lệ tiêm chủng 80% của Singapore.

Singapore có thể tiếp tục mở cửa biên giới trở lại một cách an toàn và được hiệu chỉnh liên tục. Tuy nhiên, chiến lược ứng phó với COVID-19 sẽ không thể giúp phục hồi ngành hàng không và các ngành liên quan (vốn sử dụng gần 200.000 người lao động) nếu nguồn khách du lịch hàng đầu tới nước này không quay trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục