Vì sao Nhật Bản đi ngược xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu?

11:30' - 18/06/2022
BNEWS Động thái của BoJ được cho là khá mạo hiểm vì sẽ khiến đồng yen tiếp tục mất giá, đồng thời có thể khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng vừa lạm phát, vừa trì trệ. 

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/6 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng bất chấp việc nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát.

 

Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.

Theo giới phân tích, đây là động thái khá mạo hiểm của BoJ vì điều này sẽ khiến đồng yen tiếp tục mất giá, đồng thời có thể sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng vừa lạm phát, vừa trì trệ. 

Trước khi BoJ đưa ra quyết định trên, lạm phát ở Nhật Bản đã vượt ngưỡng mục tiêu 2% của BoJ lần đầu tiên sau hơn bảy năm. Trong tháng 4/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ở Nhật Bản đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thế giới, lạm phát cũng đang tăng mạnh ở nhiều nước do tác động của xung đột Nga-Ukraine, sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Đáng chú ý, trong tháng Năm, lạm phát ở Mỹ bất ngờ tăng tốc lên mức 8,6%, cao nhất trong 40 năm.

Để đối phó với lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang chặt chặt chính sách tiền tệ. Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994, sau khi đã tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lần đầu tiên trong gần 22 năm vào tháng trước.

Khi đưa ra quyết định trên, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, khẳng định "cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát (ở Mỹ) trở lại mục tiêu 2%" và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất.

Một ngày sau đó, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng nhất trí tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,25%. Đây là lần thứ năm liên tiếp BoE nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2009.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ BoE nhấn mạnh: “Ủy ban sẽ đặc biệt cảnh giác trước những dấu hiệu của áp lực lạm phát dai dẳng hơn và nếu cần, sẽ hành động mạnh mẽ để đáp lại”.

Cùng ngày, Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ (SNB) đã nâng lãi suất chính sách lần đầu tiên trong vòng 15 năm, từ âm 0,75% lên âm 0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ năm 2011 vào tháng 7/2022 và dự kiến sẽ tiến hành đợt tương tự vào tháng 9/2022, với mức tăng có thể là 0,5 điểm phần trăm.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến BoJ đi ngược xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới là do ngân hàng trung ương này muốn hỗ trợ đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.

So với các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực, đà phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế Nhật Bản khá chậm và không bền vững. Trong năm quý gần nhất, có tới ba quý nền kinh tế này tăng trưởng âm, xen giữa ba quý đó là hai quý tăng trưởng dương.

Đáng chú ý, trong quý I/2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản giảm 0,1% so với quý trước đó và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khả năng trong quý này, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng dương trở lại, nhưng mức tăng có thể không cao. Vì vậy, trong phiên họp thường kỳ tháng Tư, BoJ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay từ 3,8% xuống còn 2,9%.

Một lý do khác khiến BoJ giữ nguyên lãi suất cơ bản là vì lo ngại lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ giảm trở lại nếu họ thắt chặt tiền tệ. Kể từ tháng Mười năm ngoái, CPI cơ bản ở Nhật Bản đã liên tục tăng nhưng trước khi đạt mức 2,1% trong tháng 4/2022, mức tăng cao nhất của CPI chỉ là 0,8%.

Tính chung cả tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022), CPI cơ bản của Nhật Bản chỉ tăng 0,1%. Vì vậy, BoJ muốn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để đảm bảo lạm phát tăng ổn định ở mức 2%, qua đó đưa Nhật Bản thoát hẳn khỏi tình trạng thiểu phát, vốn đã ám ảnh nước này trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda, cho rằng ngay cả khi lạm phát hiện nay là “xấu” đối với người tiêu dùng, nhưng đó lại là “cơ hội tốt nhất” cho Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đạt được “các mục tiêu dài hạn” về lạm phát.

Ông Kodama nhấn mạnh: “BoJ không thể thay đổi chính sách của mình chỉ để ứng phó với lạm phát do chi phí đẩy”.

Trước đó, phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo hôm 6/6, Thống đốc Kuroda khẳng định thắt chặt tiền tệ không phải là giải pháp “phù hợp” đối với BoJ trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang trong quá trình hồi phục từ dịch COVID-19 và việc giá cả hàng hóa leo thang đang làm tăng áp lực suy thoái.

Thống đốc Kuroda cho biết ngay cả khi trong tháng 4/2022, CPI cơ bản ở Nhật Bản đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái thì điều đó không có nghĩa BoJ đã đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Vì vậy, BoJ sẽ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế và đảm bảo rằng tăng trưởng tiền lương sẽ mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc BoJ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng có thể sẽ khiến đồng yen tiếp tục mất giá do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ đang nới rộng. Trên thực tế, sau khi BoJ công bố quyết định trên, đồng yen đã ngay lập tức mất giá so với "đồng bạc xanh" của Mỹ.

Tỷ giá giữa hai đồng tiền này đã tăng từ mức khoảng 133 yen/USD lên trên 134 yen/USD. Trước đó, hôm 15/6, tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc chạm mức 135,60 yen/USD, cao nhất kể từ tháng 10/1998.

Liên quan tới vấn đề này, trong phiên họp thường kỳ tháng Sáu, Hội đồng Chính sách BoJ chỉ khẳng định “cần chú ý đúng mức tới các diễn biến trên các thị trường tài chính và ngoại hối và tác động của chúng tới hoạt động kinh tế và giá cả ở Nhật Bản”. Điều này cho thấy dường như BoJ không quan ngại quá nhiều về vấn đề mất giá của đồng yen.

Bình luận về phản ứng đó của BoJ, chuyên gia Kodama cho rằng: “Đồng yen yếu giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng lại tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân. Mặc dù vậy, tác động của việc đồng yen mất giá có thể sẽ không quá tiêu cực đối với GDP, vì xuất khẩu đóng vai trò lớn (trong GDP)”.

Ngoài ra, với việc giữ nguyên lãi suất cơ bản, nhiều khả năng BoJ sẽ phải đối mặt với áp lực tăng lãi suất JGB. Trong phiên giao dịch sáng 17/6, lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 0,265%, mức cao nhất trong vòng sáu năm qua và cao hơn 0,015 điểm phần trăm so với mức lãi suất mục tiêu của BoJ.

Thời gian qua, BoJ vẫn cố gắng giữ cho lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở dưới ngưỡng 0,25% và coi đây là một trong những biện pháp nhằm duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Đây là lý do vì sao trong phiên họp thường kỳ hồi tháng Tư, BoJ đã quyết định mua vào trái phiếu chính phủ với lãi suất cố định là 0,25% trong tất cả các ngày làm việc. Trong phiên họp thường kỳ tháng Sáu, Hội đồng Chính sách BoJ một lần nữa khẳng định tiếp tục thực hiện chương trình này./.

>>Nhật Bản phản ứng thế nào trước sự sụt giảm mạnh của đồng yen​?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục