Vì sao Nhật Bản tụt hậu trong lĩnh vực xe điện?

06:30' - 05/01/2023
BNEWS Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và phương Tây đang thống lĩnh thị trường mà Nhật Bản từng dẫn đầu.
Theo thống kê của Nikkei, trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và phương Tây hiện kiểm soát 90% thị trường xe điện toàn cầu, các công ty Nhật Bản từng có thị phần lớn tương tự cách đây hơn 10 năm trước giờ chỉ chiếm chưa đến 5%.

Khác biệt lớn giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới một phần là do sự thành công của các mẫu xe động cơ lai (xe hybrid) mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã tiên phong, và các hãng xe khác tránh phải cạnh tranh với họ.

Dữ liệu từ công ty thông tin thị trường MarkLines cho thấy, trên thị trường xe ô tô năm 2022, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm 40% thị phần, 30% thuộc về các nhà sản xuất Mỹ và 20% thuộc về các nhà sản xuất châu Âu.

Doanh số xe điện toàn cầu đạt 6,8 triệu chiếc trong thời gian từ tháng 1-11/2022, tăng 50% so với cả năm 2021. Tỷ lệ xe điện trong tổng doanh số bán các phương tiện tăng từ 6% lên 10%.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã bán được khoảng 2,9 triệu chiếc trong năm 2022. Các hãng xe điện của Mỹ, dẫn đầu là Tesla, đã bán được 2,1 triệu chiếc. Các công ty châu Âu, ví dụ như Volkswagen và Renault, đã bán được khoảng 1,2 triệu chiếc xe điện.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan chỉ bán khoảng 200.000 chiếc xe điện trong năm nay, tương đương 2-3% thị phần toàn cầu.

Năm 2010, bức tranh thị trường xe điện trái ngược hoàn toàn, với doanh số bán xe điện toàn cầu chỉ đạt vài nghìn hoặc vài chục nghìn chiếc mỗi năm. Nhật Bản khi đó kiểm soát khoảng 70% đến 90% thị trường.

Vào năm 2009, hãng Mitsubishi Motors trình làng i-MiEV, mẫu xe được quảng cáo là xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới. Nissan ra mắt với mẫu xe Leaf ra vào năm 2010.

Không chỉ trên thị trường thế giới, Nhật Bản còn đang bị các đối thủ lấn át ngay tại thị trường nội địa. BYD - một công ty sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc - có kế hoạch thâm nhập vào thị trường xe điện Nhật Bản vào năm 2023. Hãng xe điện ZF của Đức dự định tham gia thị trường xe điện Nhật Bản vào năm 2026, với số đơn đặt hàng mục tiêu là 10.000 chiếc vào năm 2030. Xe điện Nhật Bản đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Như xe điện thể thao ATTO 3 của BYD có thể đi 485 km sau mỗi lần sạc đầy, giá bán là 4,4 triệu yen (khoảng 32.700 USD). Công năng của xe Leaf của Nissan là 322 km với giá 3,7 triệu yen.

Tỷ lệ phổ biến xe điện ở nhiều quốc gia đang tăng nhanh như Đức là 13%, Trung Quốc là 10% hay Mỹ là 3%, nhưng con số này tại Nhật Bản chỉ là 1%.

Lý do nào khiến Nhật Bản chậm chân hơn các đối thủ trong phát triển xe điện?

Câu trả lời là xe điện, có động cơ không phát thải khí carbon, ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn khi các quốc gia thúc đẩy nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Xe điện có ít bộ phận hơn xe xăng thông thường, khiến những "tân binh" sản xuất ô tô như Tesla và BYD dễ dàng tham gia vào thị trường xe hơi hơn.

Lý do thứ hai là sự thay đổi của thị trường xe hybrid. Đến năm 2015, xe hybrid sử dụng song song động cơ đốt trong và động cơ điện được coi là một phương tiện khả thi để giảm khí thải. Nhưng vụ bê bối gian lận về tiêu chuẩn khí thải của Volkswagen năm đó nhanh chóng tạo động lực cho các nhà sản xuất ô tô chuyển sang phát triển xe điện.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng tránh cạnh tranh với các hãng ô tô Nhật Bản trong thị trường xe hybrid, nơi mà những hãng như Toyota đang dẫn đầu. Cùng với đó, các chính phủ châu Âu khuyến khích lĩnh vực xe điện nội khối và đưa ra các chính sách nhằm loại bỏ hoàn toàn động cơ đốt trong, bao gồm cả xe hybrid, vào năm 2030.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang thiết lập các ưu đãi thuế dành cho phương tiện phát thải thấp, trong đó có xe hybrid, xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu. Do đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản coi xe hybrid là chiến lược hiệu quả hơn xe điện, một phần do chi phí pin xe điện cao.

Với việc Nhật Bản triển khai năng lượng tái tạo chậm hơn châu Âu, ý tưởng sạc pin xe điện bằng điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ không phải là phương án hiệu quả để giảm khí CO2.

Thực tế là Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 5% thị trường ô tô toàn cầu. Nếu các nhà sản xuất ô tô của nước này quá tập trung vào xe hybrid và doanh số bán hàng trong nước, họ có nguy cơ tụt hậu trong xu hướng toàn cầu. Các công ty sản xuất ô tô Nhật Bản hiện đang chuyển hướng sang xe điện một cách muộn màng, ví dụ như Honda lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn ô tô chạy xăng vào năm 2040.

Tỷ trọng xe điện hiện vào khoảng 10% doanh số bán xe toàn cầu, so với mức dưới 1% vào khoảng năm 2010 - thời điểm các công ty sản xuất ô tô Nhật Bản thống trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục