Nhu cầu xe điện của Malaysia dự kiến sẽ tăng mạnh trong 2023

08:47' - 28/12/2022
BNEWS Nhu cầu về xe điện (EV) tại Malaysia dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2023, nhờ các ưu đãi về thuế cũng như triển vọng ra mắt các loại EV có giá dễ tiếp cận hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA) Aishah Ahmad nhấn mạnh rằng, tính đến tháng 10/2022, tổng số 2.093 xe EV đã được đăng ký.

 

Trong báo cáo gần đây, Fitch Solutions cũng dự báo doanh số bán EV chở khách ở Malaysia sẽ tăng 45,6% lên 4.449 chiếc vào năm 2023, nhờ các ưu đãi về thuế của chính phủ nhằm thúc đẩy việc áp dụng.

Theo bà Ahmad, Malaysia có thể đạt doanh số theo dự báo của Fitch Solutions vào năm 2023, với các ưu đãi thuế hiện tại đối với xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu) và xe CBU (xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc).

Malaysia hiện đã áp dụng miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy bằng pin (BEV). Việc miễn thuế sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2025 đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước, nhưng chỉ đến cuối năm 2023 đối với xe CBU. Tuy nhiên, Ngân sách 2023 được lập gần đây đã có đề xuất gia hạn miễn trừ cho CBU thêm một năm nữa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz mới đây cũng cho biết chính phủ nước này ủng hộ mạnh mẽ chương trình nghị sự về EV, đang thúc đẩy nỗ lực thu hút đầu tư và đặt mục tiêu EV và xe hybrid chiếm 15% tổng sản lượng ngành (TIV) vào năm 2030 và 38% TIV vào năm 2040.

Chính phủ cũng dự kiến lắp đặt 10.000 trạm sạc công cộng cho các phương tiện xanh vào năm 2025.

Chủ tịch MAA cho rằng các mục tiêu trên có thể đạt được, với điều kiện tất cả các ưu đãi về thuế cho EV vẫn được duy trì và kế hoạch của chính phủ về việc lắp đặt các trạm sạc công cộng trên khắp Malaysia được triển khai, cùng với các cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự phát triển của phân khúc EV được đặt ra như mục tiêu vào năm 2023 và xa hơn.

Theo Giám đốc điều hành Tradeview Capital Sdn Bhd Ng Zhu Hann, triển vọng của BEV và phương tiện xanh ở Malaysia hiện khả quan mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Malaysia đang chứng kiến khu vực tư nhân dẫn đầu việc sử dụng BEV trong nước.

Các nhà sản xuất ô tô cũng tung ra các mẫu xe mới, phù hợp với các chính sách ưu đãi về thuế của chính phủ, giúp giá cả cạnh tranh và do đó thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Ông cũng nhấn mạnh rằng nhận thức về biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của chương trình nghị sự xanh đang được nâng cao hiện đã làm thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Việc mua BEV ngoài lý do thiết kế đẹp mắt và các tính năng tương lai, còn là để góp phần giảm lượng khí thải carbon.

Theo ông Ng, mục tiêu tăng doanh số bán EV và xe hybrid của Chính phủ Malaysia có thể đạt được khi xét đến hiệu suất bán hàng của năm 2021 mà chưa tính đến sự phục hồi từ tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn.

Nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực xe điện có thể được giải quyết, các nhà sản xuất ô tô này có thể hoàn thành các đơn đặt hàng nhanh hơn với thời gian quay vòng ngắn hơn. Ngoài ra, việc triển khai cơ sở hạ tầng sạc EV là mấu chốt để thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng phạm vi di chuyển hạn chế của BEV trong một lần sạc vẫn là mối quan tâm của người mua, đặc biệt là đối với những người thường phải lái xe đường dài xuyên liên bang.

Nếu chính phủ có thể hợp tác với khu vực tư nhân để giải quyết vấn đề này, ông tin rằng BEV vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn trong những năm tới.

Trong khi đó, Fitch Solutions cũng dự báo xe điện hybrid sạc điện (PHEV) sẽ mất một số thị phần tại Malaysia vào năm 2023, do BEV ra mắt nhiều hơn.

Theo hãng nghiên cứu, doanh số bán EV ở Malaysia có thể đạt trên 1% TIV vào năm 2024, do nhu cầu ngày càng tăng đối với cả PHEV và BEV.

Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Nik Nazmi Nik Ahmad gần đây cho biết chính phủ sẽ cân nhắc để đưa EV có giá dưới 100.000 RM vào thị trường trong nước nhằm mang lại lợi ích cho người dân.

Ông Nik Nazmi nhấn mạnh rằng giá của hầu hết các loại xe điện tại thị trường trong nước hiện đều vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân Malaysia. Trong khi đó, hãng xe Proton của nước này dự kiến sẽ cho ra mắt những chiếc EV do Geely sản xuất với giá thấp hơn nếu được lắp ráp trong nước.

Việc mở rộng ngành công nghiệp EV trong nước nằm trong nỗ lực của Chính phủ Malaysia nhằm hướng tới tương lai ít carbon. Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu dự kiến cân nhắc khả năng cải thiện Ngân sách 2023 hoặc 2024 bao gồm cả các biện pháp khuyến khích người dân Malaysia sở hữu EV nhiều hơn.

Trong khi đó, báo cáo của ngân hàng đầu tư Maybank gần đây cho rằng, điện khí hóa sẽ tiếp tục là chương trình nghị sự quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô của Malaysia, giống như nam châm chính để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo báo cáo, sự thúc đẩy EV của Malaysia đang tạo được đà và tỷ lệ chấp nhận EV cũng đang cải thiện nhờ hỗ trợ ưu đãi thuế EV, cùng với việc tăng BEV mới, xe điện hybrid (HEV) và ra mắt mẫu PHEV cũng như triển khai nhanh hơn các bộ sạc công cộng nhanh.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ chấp nhận xEV, tên gọi chung cho các loại xe điện như HEV, PHEV và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu, của Malaysia hiện ở mức 2,6%.

Tỷ lệ sử dụng xe 4 bánh xEV và BEV tính đến tháng 10/2022 lần lượt ở mức 2,6% và 0,3%, được xem là khá tốt so với các công ty cùng lĩnh vực ở ASEAN. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải cập nhật thường xuyên các chính sách EV để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.

Fitch Solutions nhận định các mục tiêu của Malaysia tương đối tốt và có thể đạt được mục tiêu ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, một chính sách rõ ràng hơn, liên tục, tiến bộ, cạnh tranh và hướng tới tương lai sẽ thúc đẩy hướng tới khả năng điện khí hóa hiệu quả hơn đối với Malaysia khi vốn đang tụt hậu so với các đối tác ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia và Singapore./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục