Vì sao nợ xấu đang lớn dần?

15:53' - 18/09/2020
BNEWS Việc nhiều ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01 khiến tỷ lệ nợ xấu hiện nay chưa được phản ánh đúng.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của các ngân hàng cho thấy, mặc dù lợi nhuận tăng nhưng tỷ lệ nợ xấu đang lớn dần do đại dịch COVID-19 và trở thành áp lực cho ngành ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2020.

 

* Nợ xấu tiềm ẩn dần xuất hiện   

Theo báo cáo đánh giá triển vọng về ngành ngân hàng những tháng cuối năm 2020 vừa được Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố thì nợ xấu tiềm ẩn dần xuất hiện trên bảng cân đối kế toán.

Dựa trên kịch bản đại dịch COVID-19 được kiểm soát vào giữa năm 2021, SSI Research cho rằng thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài đến tháng 6/2021. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ thấy rõ trong những tháng cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này cũng sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022.

Theo ước tính của SSI Research, nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2020 sẽ tăng 17% và 14% vào năm 2021 (so với -16,3% vào năm 2019). Theo đó, chi phí tín dụng sẽ lần lượt là 1,67% và 1,64% (so với 1,5% trong giai đoạn 2017 - 2019 và 1,3% trong giai đoạn 2013 - 2016).

Trong khi đó, báo cáo tài chính bán niên được các ngân hàng công bố cho thấy, tổng số dư nợ xấu đến ngày 30/6/2020 đã tăng hơn 102.000 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 20,6% so với cuối năm 2019.

Nếu xét về số dư nợ xấu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện đứng đầu với 22.767 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019. Tiếp đó là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) với 15.968 tỷ đồng, tăng 47,7%, đặc biệt nợ nhóm 3 và 4 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ mất vốn) của ngân hàng này tăng đột biến 250% và 85% so với cuối năm 2019.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), cuối quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết khoảng 1,7%, tăng 10 điểm cơ bản so với cuối quý I/2020 và 30 điểm cơ bản so với đầu năm. Mức tăng nợ xấu này không cao và nhiều khả năng là do các ngân hàng vận dụng triệt để việc giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay được tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01).

Một số ngân hàng có tỷ trọng các khoản cho vay được cơ cấu theo Thông tư 01 cao như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 3,6%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 10,4%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 3,2%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 1,6%.

Cũng theo các chuyên gia đến từ Agriseco, việc nhiều ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01 khiến tỷ lệ nợ xấu hiện nay chưa được phản ánh đúng.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tương đương khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, lớn gấp xấp xỉ 20 lần lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2019.

* Gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên chất lượng dư nợ, các ngân hàng trong hệ thống đã tích cực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm 2020.

Nhóm nghiên cứu đến từ Công ty chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS) nhận định, các ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng bằng việc gia tăng trích lập dự phòng trong các quý tiếp theo. Đồng thời, động thái sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu cũng góp phần đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không vượt ngưỡng mục tiêu sau khi các khoản dư nợ tái cơ cấu được chính thức phản ánh trong báo cáo tài chính.

Theo IVS, hiện tại chỉ có Vietcombank tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2020, ngân hàng này chưa sử dụng khoản trích lập nào để xử lý nợ xấu. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu cũng duy trì xu hướng tăng nhẹ từ đầu năm.

Trong khi đó, dù không tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019, những năm gần đây BIDV và Vietinbank đang mạnh tay tái cấu trúc và xử lý dần nợ xấu trong bảng cân đối. Trong nửa đầu năm 2020, BIDV đã xử lý gần 4.500 tỷ đồng nợ xấu; Vietinbank (bắt đầu giai đoạn tái cấu trúc từ cuối năm 2018) cũng xử lý 3.787 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay (thấp hơn con số 4.047 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019).

Cùng với đó, Techcombank, SHB và ACB ghi nhận mức tăng chi phí dự phòng đột biến nửa đầu năm (tăng 3 đến 4 lần cùng kỳ năm 2019).

Liên quan đến xử lý nợ xấu, VPBank và Techcombank là 2 ngân hàng có động thái đáng chú ý nhất. Trong kỳ, VPBank đã sử dụng 6.284 tỷ đồng dự phòng cụ thể để xử lý nợ xấu, giúp tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 3,42% cuối năm 2019 còn 3,19% tại thời điểm cuối quý 2. Còn Techcombank xử lý 1.746 tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng cụ thể, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dịch bệnh COVID-19 đã gia tăng nợ xấu toàn ngành. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2020 ước tính là 1,8%.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.106,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 xử lý được 56,96 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019). Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăn so với cuối năm 2019)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục