Vì sao thị trường chứng khoán Trung Quốc chưa được chặn đà lao dốc?

05:30' - 21/02/2020
BNEWS Dịch COVID-19 bùng phát đang gây ra các tác động kinh tế nặng nề khi mà Trung Quốc đang cố gắng tái khởi động hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài hơn so với bình thường.
Vì sao Trung Quốc để cho thị trường chứng khoán lao dốc? Ảnh: THX/ TTXVN

Tờ Nikkei Asia Review đã đăng tải bài phân tích của ông Fraser Howie, đồng tác giả của cuốn “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Những nền tảng tài chính yếu ớt cho sự trỗi dậy khác thường của Trung Quốc”, về phản ứng của Trung Quốc trước sự lao dốc của thị trường chứng khoán. Dưới đây là nội dung bài viết:

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát đang gây ra các tác động kinh tế nặng nề khi mà Trung Quốc đang cố gắng tái khởi động hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài hơn so với bình thường.

Đáng chú ý là một động thái đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích của các nhà điều hành thị trường chứng khoán, đó là không can thiệp. Sau kỳ nghỉ lễ, các nhà quan sát đều nghiêng về dự báo khả năng can thiệp vào thị trường và mua lại cổ phiếu của nhóm gọi là các nhà đầu tư quốc doanh, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ trùng với ngày thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, các nhà đầu tư đã dự báo về sự lao dốc của thị trường.

Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thông báo bơm một số tiền khổng lồ vào hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán khi mở cửa đã giảm 8%, nhưng nhóm các nhà đầu tư quốc doanh vẫn đứng ngoài thị trường. Khi chỉ còn nửa giờ nữa là kết thúc phiên giao dịch, thị trường chứng khoán vẫn ở trong trạng thái rất yếu.
Việc nhóm đầu tư quốc doanh không mua vào cho thấy sự chín chắn hay niềm tin vào thị trường mà các nhà đầu tư chưa từng thấy trước đó. Trước đây, các nhà đầu tư thường chỉ trích các nhà quản lý thị trường vì sự can thiệp không cần thiết vào các quyết định đầu tư và vì sự sốt sắng hỗ trợ thị trường trong những thời khắc căng thẳng.
Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài xuống mức thấp nhất trong lịch sử sau sự sụp đổ của thị trường vào năm 2015, do tình trạng hạn chế thông tin và việc Trung Quốc cho phép hàng ngàn công ty tạm ngừng giao dịch cổ phiếu với rất ít lý do xác đáng. Kể từ sau đó, việc tái xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư đã trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển thị trường.
Trong một vài năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra các quy định nhằm cải thiện sự tiếp cận của các nhà đầu tư và cho phép các công ty nước ngoài sở hữu các công ty tài chính trong nước, và trong suốt giai đoạn của cuộc chiến thương mại và thuế quan gần đây với Mỹ, Bắc Kinh tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc mở cửa các thị trường tài chính.
Chỉ một năm trước, Trung Quốc thông báo nước này sẽ hạn chế can thiệp theo cách khuyên nhà đầu tư không bán tháo cổ phiếu. Bắc Kinh đã giữ đúng cam kết và các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng về điều này.

Kể từ sau sự ra đời của Stock Connect ở Hong Kong, vốn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu hạng A của Trung Quốc, khối lượng chứng khoán mua ròng đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ NDT (143 tỷ USD).

Tuy nhiên, vì sao cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc không can thiệp khi thị trường mở cửa trở lại vào tuần trước trong bối cảnh các tin xấu liên tục xuất hiện và nền kinh tế Trung Quốc gần như ngừng hoạt động? Các nhà quản lý thị trường Trung Quốc có lẽ đã đúng khi làm như vậy.

Trong một tuần sau đó, thị trường chứng khoán đã tăng trở lại và phần lớn các chỉ số đã lấy lại những gì đã mất hoặc trong trường hợp của ChiNext, sàn giao dịch của nhiều công ty tư nhân và công ty dược phẩm, chỉ số đã tăng cao hơn so với thời điểm trước khi Vũ Hán bị phong tỏa.
Không có bất cứ cổ phiếu nào bị ngừng giao dịch. Rất ít nhà đầu tư hay nhà môi giới nhận được các cú điện thoại yêu cầu họ không bán. Sự sụt giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ không phải là “quả bong bóng phát nổ” giống như năm 2015.

Nhà nước đã đúng khi không can thiệp vào thị trường một cách quyết liệt. Một vài ngày giao dịch không thể thể hiện hết tác động của dịch COVID-19 ở trong nước và toàn cầu. 

Tuy nhiên, ít nhất là các nhà quản lý đã đúng khi nhận ra rằng không cần thiết phải mua vào hàng tỷ USD chứng khoán niêm yết, nhất là khi nhà nước vẫn đang nắm giữ một khối lượng lên tới 144 tỷ USD khi mua vào hồi năm 2015.
Mặc dù vào cuối tuần, 39 trong số các công ty quản lý quỹ của Trung Quốc thông báo họ đã đầu tư 2,4 tỷ NDT nhằm củng cố niềm tin của thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, nỗ lực này rất nhỏ bé trong một thị trường có khối lượng giao dịch bình quân tới 800 tỷ NDT/ngày kể từ khi kỳ nghỉ kết thúc. Đó là một dấu hiệu hỗ trợ cho Trung Quốc hơn là một sự hỗ trợ có ý nghĩa cho thị trường này.
Trong khi giới chức y tế và lãnh đạo chính trị của Trung Quốc có thể bị chỉ trích vì sự ứng phó với COVID-19 và hành động mà họ đã thực hiện, nhưng các cơ quan quản lý tài chính đã vượt qua bài kiểm tra lớn đầu tiên.

Trung Quốc sẽ đi qua dịch COVID-19 và hoạt động kinh doanh sẽ quay lại như bình thường ở một thời điểm nào đó, và việc mở cửa thị trường của Trung Quốc sẽ bắt đầu trở lại. Nếu các nhà quản lý Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn trước những diễn biến do thị trường dẫn dắt, điều này sẽ có lợi cho thị trường, nhà đầu tư và sự phân bổ nguồn vốn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng vẫn có rất nhiều bằng chứng trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy sự hỗ trợ của nhà nước như gia hạn nợ và chưa xử lý nợ xấu.

Trên thực tế, hệ thống các doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào điều này. Ít nhất trên thị trường chứng khoán, các hành động của giới chức nhà nước có thể "tinh tế hơn" so với những hành động mua vào hay những lời hăm dọa như năm 2015. 
Trong nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư đã cho rằng cuối cùng nhà nước sẽ can thiệp và hỗ trợ cho chỉ số. Những ngày đó có thể đã qua. Nếu đúng vậy, các cải cách thị trường tài chính của Trung Quốc sẽ thực sự là một bước tiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục