Vì sao Tổng thống Mỹ cố gắng thông qua TPP?

14:31' - 28/09/2016
BNEWS Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng vận động để Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông.
Vì sao Tổng thống Mỹ cố gắng thông qua TPP? Ảnh: thehill.com

Tờ "The New Yorker" mới đây cho biết, bất chấp sự phản đối từ nhiều phía, Tổng thống Obama vẫn cố gắng vận động để Quốc hội thông qua TPP.

Điều đáng lưu ý là ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump không phải là người duy nhất phản đối TPP. Ứng viên của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trước đây từng ủng hộ, nay cũng quay sang phản đối TPP.

Còn cựu ứng viên của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ bang Vermont , Bernie Sanders phản đối TPP bằng mọi giá. Ngay cả cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers, người ủng hộ thương mại tự do, cũng cho rằng mọi lợi ích đạt được từ TPP sẽ không xứng đáng với nỗ lực bỏ ra để đạt được hiệp định này.

Tuy nhiên, ngày 16/9 vừa qua, Tổng thống Obama đã thực hiện một trong hàng loạt các nỗ lực cuối cùng của ông nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua TPP - hiệp định mà chính quyền Obama đã đàm phán suốt 5 năm qua.

Ông đã gặp nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị lưỡng đảng, gồm Thống đốc bang Ohio, John Kasich, cựu Thị trưởng New York, Michael Bloomberg và Thống đốc bang Lousiana, John Bel Edwards, nhằm trình bày các lợi ích của hiệp định thương mại này và vẽ ra một chiến lược vận động hành lang.

Sự không thiện cảm đối với TPP dường như là một cú sốc đến chậm đối với các nhà kinh tế. Khi các hiệp định kinh tế đều bị chỉ trích là không hoàn hảo, TPP là hiệp định thương mại tiến xa nhất, cấp tiến và nhiều ưu điểm nhất trong hai thập kỷ qua, được đánh giá là sẽ mang tới lợi ích cho nhiều quốc gia thông qua việc mở cửa các thị trường lao động giá rẻ, cung cấp lực lượng lao động chưa từng có và các chính sách bảo vệ môi trường.

Thuyết kinh tế chính thống cho rằng các hiệp định thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tăng xuất khẩu gần 10%. Hơn nữa, thu nhập thực tế của Mỹ sẽ tăng 131 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cáo buộc mạnh mẽ nhất đối với TPP là khả năng làm mất nhiều công ăn việc làm tại Mỹ. TPP sẽ tạo ra các kênh trao đổi thương mại không chỉ cho Mỹ mà cả các nước đối tác, kết quả là các công việc sản xuất đòi hỏi ít kỹ năng sẽ bị rơi vào tay các quốc gia có lao động giá rẻ. Việc này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lâu năm của tầng lớp lao động Mỹ vốn đã bị thất nghiệp bởi họ thiếu kĩ năng, kỹ thuật để làm việc tại các nhà máy hiện đại.

Đây là một vấn đề thực sự lớn nhưng có thể được giải quyết mà không cần đến các hiệp định thương mại. Cần xem xét lại thực tế là Mỹ đã tạo thêm 1 triệu công việc sản xuất đòi hỏi kỹ thuật cao được trả lương cao trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama một phần vì các hiệp định thương mại.

Nhà Trắng coi TPP là một cấu phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Chiến lược này hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mối nguy khi cả hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ đều phản đối hiệp định thương mại này.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của khá nhiều nước TPP cùng với Ấn Độ và Hàn Quốc. Hiệp định này được coi là ít tham vọng hơn nhiều so với TPP, nhưng giúp phá vỡ các rào cản thương mại giữa các quốc gia trong khu vực. Theo quan điểm của Mỹ, RCEP sẽ hạn chế tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương, đồng thời làm suy giảm vị thế của Mỹ trên toàn cầu.

Tờ “Thời báo Tài chính” số mới đây đã cho rằng nếu như Mỹ không thông qua được TPP thì các đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ rất nản. Họ sẽ đối mặt với sự chỉ trích của Trung Quốc do đã ký vào sáng kiến này của Mỹ. Trong chuyến thăm gần đây đến Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã coi TPP là phép thử độ tin cậy và mục đích nghiêm túc của Mỹ tại châu Á.

Ông Lý Hiển Long cho rằng tác dụng của sáng kiến TPP này vượt ra ngoài mục đích thương mại, đó là sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh của họ tại châu Á. Đáng tiếc là tư duy chiến lược dài hạn là điều không thể trong vũng xoáy chính trị Mỹ hiện nay.

Và kết quả là Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ đối mặt với một chuyện buồn, kết thúc nhiệm kỳ với sáng kiến chính sách đối ngoại xoay trục sang châu Á bị cuốn chìm dưới vùng biển Thái Bình Dương.

>>>Vẫn "có cửa" để Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trước khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục