Vị thế của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu có chiều hướng yếu đi

09:42' - 06/09/2016
BNEWS Giới chuyên gia tiền tệ nhận định rằng vị thế của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu có chiều hướng yếu đi trong thời gian gần đây.
Vị thế của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu có chiều hướng yếu đi. Ảnh: reuters

Giới chuyên gia tiền tệ nhận định rằng vị thế của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu có chiều hướng yếu đi trong thời gian gần đây, do sự trỗi dậy của đồng NDT của Trung Quốc, đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên các thị trường mới nổi, đang kéo các giao dịch tiền tệ về các trung tâm giao dịch ở châu Á.

Khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy, lần đầu tiên trong hơn một thập niên trở lại đây, thị phần của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu bị giảm sút, xuống còn 37,1%, so với mức đỉnh xấp xỉ 41% năm 2013.

Ngược lại, thị phần của ba trung tâm giao dịch tiền tệ lớn nhất châu Á là Tokyo, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore đã tăng từ 15% lên 21%.

Xu thế này khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, trong thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, New York giữ vững vị trí thứ hai, với thị phần tăng nhẹ lên 19%.

London giữ vị trí thống trị trên thị trường ngoại hối toàn cầu trong gần nửa thế kỷ qua.

Vị thế này được xây dựng dựa trên lịch sử của đồng bảng Anh với tư cách là đồng tiền toàn cầu đầu tiên của thương mại hiện đại.

Chính vì vậy, sự đi xuống của thị trường ngoại hối London không tránh khỏi ảnh hưởng tới lòng tự tôn của người Anh.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố chủ quan, còn một yếu tố khách quan nữa khiến vị thế của London sa sút là tình trạng "ốm yếu" chung của ngành ngoại hối hiện nay.

Các thống kê gần đây cho thấy lượng tiền tệ giao dịch trung bình mỗi ngày trên toàn thế giới đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001, xuống chỉ còn 5.100 tỷ USD trong tháng 4/2016, so với 5.400 tỷ USD cùng kỳ năm 2013.

Đồng NDT có tỷ trọng giao dịch trên thị trường tiền tệ toàn cầu hiện tăng gấp hai lần, vượt đồng peso của Mexico trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trong số đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển.

Bên cạnh đó, sự lên ngôi của đồng NDT diễn ra vào thời điểm dòng lưu chuyển của các đồng tiền chủ chốt như euro, yen, AUD và franc Thụy Sỹ đều giảm sút.

Giới chuyên gia cho rằng London có thể sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giành lại được vị thế trước đây của mình, nhất là khi việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) có thể ngăn cản nhiều ngân hàng nước ngoài mở trụ sở tại London.

Theo đánh giá của Giám đốc điều hành David Puth thuộc ngân hàng CLS Bank, những sự kiện xảy ra trong hai tháng qua liên quan đến Brexit có thể khiến thị phần của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục