Vicem mang niềm vui đến các huyện nghèo

07:46' - 03/06/2017
BNEWS Vicem được Chính phủ giao hỗ trợ, giúp đỡ 6 huyện nghèo là Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa), huyện Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An).

Đường từ nhà đến trường không chỉ được tính bằng độ dài khoảng cách mà phải tính bằng thời gian bởi có khi chỉ vài cây số nhưng những học trò nhỏ phải băng đồi, lội suối cả nửa ngày mới tới được lớp học.

Hình ảnh ghi nhận ở huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam) cũng sẽ giống với nhiều vùng khó khăn khác trên dải đất hình chữ S.

Những khó khăn về địa hình cùng điều kiện cuộc sống dễ khiến người dân các khu vực này không tha thiết chuyện học hành nếu như không có những ngôi trường - mái ấm thứ 2 cho trẻ nội trú. Tuy nhiên, những ngôi trường kiểu này vẫn đang là mơ ước đối với nhiều huyện nghèo.

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã bền bỉ đồng hành gần 10 năm cùng chương trình với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đem ngọn lửa ấm áp nghĩa tình, san sẻ vợi bớt những khó khăn cho người dân vùng khó.

Vicem được Chính phủ giao hỗ trợ, giúp đỡ 6 huyện nghèo. Ảnh: Vincem

Vicem được Chính phủ giao hỗ trợ, giúp đỡ 6 huyện nghèo là Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa), huyện Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An). Tại mỗi địa bàn, Vicem đều để lại những dấu ấn với chính quyền địa phương và người dân qua những công trình thiết thực, đầy tình nghĩa.

Có mặt ở Nam Trà My một ngày đầu tháng 5 và chứng kiến niềm vui vỡ òa của cả thày và trò Trường tiểu học Trà Cang khi được dạy và học tập trong ngôi trường mới khang trang mới thấy hết ý nghĩa của chương trình. Ngôi trường nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Nam Trà My được Vicem tài trợ đầu tư xây dựng theo Nghị quyết 30a.

Mặc dù đây là mô hình trường tiểu học bán trú nhưng trong thực tế, do nhiều học sinh ở quá xa nên trường vẫn giải quyết ăn 3 bữa và ở lại nội trú cho học sinh.

Bé Hồ Thị Thúy Nguyên - dân tộc Xê Đăng đang học lớp 4 tại Trường Trà Cang bộc bạch rất thích ở trường vì được ăn no. Khi nào nhớ bố mẹ, Nguyên lại xin về nhà nhưng thường là ngày cuối tuần.

Tuy vóc dáng của cô bé lớp 4 nhỏ hơn hẳn so với các học sinh thành phố nhưng em vẫn tự đi về giữa nhà và trường. Đoạn đường phải vượt qua 4-5 quả núi và lội suối nên Thúy Nguyên cũng không biết nhà cách trường bao xa, cứ đi khắc đến – cô bé hồn nhiên tâm sự.

Nam Trà My là một huyện nghèo vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh trong huyện còn phải ăn, ở, học tập trong những ngôi nhà tạm bợ.

Nhờ trợ giúp của Vicem, ngôi trường mới khang trang sẽ giúp thày trò tiểu học Trà Cang không phải lo lắng dạy và học trong những căn nhà tạm bợ, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Đặc biệt, người dân địa phương cũng phấn khởi cho con em đi học, không còn tư tưởng bỏ trường vì điều kiện đi lại xa xôi.

Cô Trương Thị Hồng Nghi, quê ở Phú Lộc - Thừa Thiên- Huế, giáo viên Trường Tiểu học Trà Cang cho biết, học sinh của trường chủ yếu là con em dân tộc Xê Đăng, ngoài ra còn có những dân tộc rất ít người như Ca Dong. Toàn trường có 43 giáo viên, chủ yếu người miền xuôi lên gắn bó với bà con.

Hiện có 10 cô giáo nội trú luôn tại trường cùng ăn ở, sinh hoạt với học sinh. Nhiều giáo viên nửa năm mới về nhà một lần nhưng vẫn quyết tâm gắn bó với mảnh đất này. Có những cô giáo nhà xa còn phải mang con nhỏ lên ở cùng để tiện chăm sóc.

Với điểm trường mẫu giáo do Vicem hỗ trợ kinh phí 4 tỷ đồng để xây dựng tại xã Trà Cang năm 2014 đã đón trẻ của 3 thôn đến học. Cô hiệu trưởng Lê Thị Mai cũng là người miền xuôi lên “cắm bản” chia sẻ, từ ngày có nhà trẻ khang trang, cha mẹ các cháu cho con đến lớp đông đủ hơn.

Nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng ăn trưa cho mỗi cháu. Huyện và Trường cũng vận động xã hội hóa hỗ trợ thêm gạo, dụng cụ học tập để cải thiện điều kiện trường lớp.

Chọn mảnh đất Nam Trà My để thực hiện các dự án theo Nghị quyết 30a, đến nay Vicem đã hỗ trợ tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng và 641 tấn xi măng. Nguồn kinh phí này đã giúp người dân xoá được 483 nhà ở tạm bợ, hư hỏng.

Đặc biệt là đầu tư xây dựng công trình Nhà ở học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Nam, Nhà ở học sinh Trường phổ thông cơ sở Trà Cang, Trường Mẫu giáo Trà Cang, đường bê tông vào Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu vẫn còn trăn trở, bà con dân tộc hộ nghèo và hộ không nghèo ranh giới không xa nhau. Trong khi đó, chế độ cho các cháu đi học phân biệt hộ nghèo và hộ không nghèo.

Việc vận động được bà con cho con em đi học đã khó khăn nên huyện mong muốn có chính sách ưu tiên để khuyến khích tất cả con em dân tộc thiểu số cứ đến trường là đều được hỗ trợ. Có như vậy mới tạo động lực cho các cháu học hành, đưa chữ về buôn làng – ông Bửu đề xuất.

Chia sẻ lý do luôn chọn các công trình giáo dục và y tế để hỗ trợ, ông Đinh Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Vicem cho hay đó là những dự án thiết thực nhất đối với người dân vùng còn nhiều khó khăn.

Mong muốn của Vicem là giúp họ cải thiện những điều kiện nhỏ nhất trong y tế và các cháu nhỏ được chăm sóc, học chữ và hộ nghèo có nơi an cư lạc nghiệp.

Các công trình hỗ trợ của Vicem chủ yếu tập trung vào xoá nhà tạm, nhà tranh tre, dột nát; công trình y tế và giáo dục. Hàng năm, Vicem và các đơn vị thành viên còn tham gia ủng hộ, hỗ trợ nhiều công trình, hoạt động an sinh xã hội khác. Đến nay, tổng kinh phí Vicem dành hỗ trợ 6 huyện của 3 tỉnh là gần 133,5 tỷ đồng.

Tại các tỉnh khác như Nghệ An và Thanh Hóa, các công trình xây dựng do Vicem tài trợ đang phát huy tốt vai trò phục vụ nhân dân. Người dân bản Xằng Trên không dấu niềm vui khi có được ngôi trường mầm non Bản Xằng Trên (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Họ chia sẻ, trước đây, điểm trường mầm non của bản chỉ là tranh tre dột nát, một cô và 20 - 30 cháu, cơ sở vật chất cùng đồ dùng dạy học thì chẳng có gì... Giờ trường mới đẹp, người dân bản vui lắm, cha mẹ đi làm nương rẫy, đánh bắt cá cũng yên tâm bởi đã gửi con ở trường.

Với huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), giữa thị trấn nghèo nổi bật tòa Ký túc xá 3 tầng. Thầy trò trường THPT Lang Chánh và nhất là các em học sinh nghèo, đặc biệt con em đồng bào dân tộc ở cách xa trung tâm huyện vài chục cây số không còn phải đi thuê trọ, được yên tâm sống và học tập trong ký túc xá của trường. Gia đình các em cũng không phải lo thêm một khoản tiền trả tiền thuê nhà hàng tháng như trước nữa.

Niềm vui của người dân vùng khó khăn cũng là niềm vui của người lao động Vicem - tất cả đều bình dị như chính tấm lòng và tình cảm của họ dành cho cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục