VICEM nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

07:42' - 01/07/2021
BNEWS Thực hiện nhiệm vụ năm 2021 với thời cơ và thách thức, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã thực hiện nhiều giải pháp để vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, VICEM đặt mục tiêu cho toàn hệ thống các đơn vị thành viên là phải triệt để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để duy trì sản xuất kinh doanh ổn định.

Cùng với việc liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch COVID-19, các chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành và địa phương về phòng chống dịch, lãnh đạo Tổng công ty thường xuyên có văn bản chỉ đạo các phòng, ban cơ quan, đơn vị thành viên chủ động, khẩn trương trong phòng chống dịch.

Ngay từ cuối năm 2020, lãnh đạo VICEM đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị xây dựng giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt, phù hợp.

Cụ thể, dịp cuối tháng 1 vừa qua, dịch COVID-19 lần thứ ba bùng phát tại một số điểm có các nhà máy của VICEM như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng đã tác động trực tiếp đến nhiều đơn vị.

Công ty Xi măng Hoàng Thạch và Hải Phòng; trong đó, nhà máy xi măng Hoàng Thạch và thị trấn Mạo Khê bị phong tỏa khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doang nhiệp gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, VICEM luôn sát sao nắm bắt tình hình và đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do đó các đơn vị vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh.

Quy trình phòng chống dịch với các biện pháp phản ứng nhanh, linh hoạt được kích hoạt từ Tổng công ty xuống đến từng đơn vị thành viên.

Toàn hệ thống VICEM chủ động triển khai nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch nhằm sàng lọc, phát hiện và hạn chế nguy cơ lây lan như: đo thân nhiệt với cán bộ công nhân viên, người lao động và khách tới công tác; cấp phát vật tư y tế thiết yếu; yêu cầu thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Toàn bộ khu vực sản xuất và nơi làm việc được phun khử khuẩn. Các cuộc họp được chuyển sang hình thức trực tuyến, không tập trung đông người, bố trí giãn cách trong khu làm việc và nhà ăn ca, lắp vách ngăn giữa các chỗ ngồi...

Giai đoạn này, VICEM cũng phát huy tối đa việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc như: làm việc trực tuyến, sử dụng chữ ký số, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối sản xuất kinh doanh ở những vùng có dịch, VICEM yêu cầu các công ty sản xuất xi măng bố trí bộ phận vận hành trung tâm cách ly tập trung tại khu vực của nhà máy.

Tại các khu vực đang thi công công trường hoặc sửa chữa thiết bị cần huy động nhiều lao động tiếp tục duy trì theo tiến độ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát chặt người ra vào khu vực công trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra để đảm bảo an toàn tuyệt đối sản xuất kinh doanh trong các đợt bùng phát dịch, VICEM yêu cầu các đơn vị thành viên bố trí bộ phận vận hành trung tâm cách ly tập trung tại khu vực của nhà máy.

Cùng đó, VICEM tiếp tục tối ưu hóa, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động; chú trọng giảm định mức tiêu hao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đáng chú ý, hệ thống tiêu thụ được sắp xếp, hoàn thiện và đẩy mạnh theo hướng  tối ưu hóa logistics và áp dụng số hóa trong tiêu thụ sản phẩm trên diện rộng… Đặc biệt, VICEM tiếp tục triển khai nhiều chương trình đổi mới sáng tạo như đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, áp dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động của VICEM là triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, tập trung nghiên cứu, đánh giá kết quả để tiếp tục áp dụng đốt rác thải, bùn thải thay thế nguyên liệu trong sản xuất xi măng.

Giải pháp này nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho VICEM; đồng thời, chung tay góp phần giải quyết được vấn đề môi trường.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất kinh doanh và quyết liệt chỉ đạo phòng dịch nên kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của VICEM đều tăng trưởng tốt, vượt qua rào cản khó khăn từ dịch bệnh.

Tổng sản lượng tiêu thụ ước khoảng 15 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của các công ty sản xuất xi măng ước đạt 1.271,4 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ và bằng 53,6% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, VICEM thường xuyên cập nhật tình hình về dịch COVID-19 để có các phương án ứng phó kịp thời.

Tổng công ty phấn đấu duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả - Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh khẳng định

Những tháng cuối năm, VICEM đặt mục tiêu khắc phục mọi khó khăn, quán triệt thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục