Lilama tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp

15:08' - 30/06/2021
BNEWS Năm 2021, Lilama đặt mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như EPC, lắp ráp và chế tạo cơ khí.

 

Theo Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama), năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn và thử thách đối với doanh nghiệp, kế hoạch doanh thu của Công ty mẹ dự kiến thấp so hơn so thực hiện năm 2020, chỉ bằng khoảng 64%.

Nguyên nhân là các dự án lớn mà Tổng công ty hiện đang đảm nhận vị trí Tổng thầu EPC, nhà thầu phụ hầu đều hết hoặc đã thực hiện xong khối lượng thiết bị nhập, xây dựng trong năm 2020 và những năm trước.

Trong khi đó, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nên các dự án đều chậm triển khai, mở rộng, chậm tiến độ. Một số mới dự án Tổng công ty tham gia chào giá đều đang trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng hoặc chưa có kết quả đấu thầu.

Để vượt qua khó khăn, Lilama tiếp tục đặt mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp này.

Theo đó, năm 2021, Lilama tiếp tục thực hiện các dự án ký hợp đồng như: Nhiệt điện Sông Hậu 1, Điện Nghi Sơn 2, Khí Nam Côn Sơn 2, Lọc hóa dầu Long Sơn, Nhiệt điện Vân Phong 1...

Tổng công ty tập trung bám sát các chủ đầu tư và đối tác để tham gia thi công dự án, chuẩn bị một số gói thầu được thực hiện trong tương lai như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhơn Trạch 3 và 4, Dung Quất 1,2,3...

Thời gian tới, Lilama định hướng sẽ tập trung vào ngành kinh doanh chính là EPC, lắp ráp và chế tạo cơ khí. Trong lĩnh vực EPC, xây dựng, Lilama ưu tiên khai thác các dự án điện (nhà máy, công trình, đường dây...) bởi đây là thị trường tiềm năng, tăng trưởng do đã được Chính phủ quy hoạch ổn định.

Cùng đó, Lilama sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án công nghiệp dầu khí (nhà máy lọc dầu, nhà máy khí, đường ống khí ...), đặc biệt là các dự án đã nằm trong quy hoạch; đồng thời, tiếp tục tham gia các dự án công nghiệp khác như xi măng, thép, xây dựng vật liệu...

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, Lilama cho biết sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí, tăng cường hợp tác quốc tế, từng bước tham gia vào toàn bộ liên kết chuỗi thông qua việc cung cấp các bộ phận, chi tiết hoặc hàng hóa trung gian khác phục vụ việc lắp ráp sản phẩm cuối cùng cho các tập đoàn, tổng công ty trên toàn cầu.

Đối với phần chế tạo trong nước, Lilama tiếp tục bám sát cơ chế thí điểm thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị nhà máy điện, tăng dần tỷ lệ nội dung hóa thiết bị trong dự án mà Tổng công ty thực hiện; hợp tác hóa cơ cấu sản phẩm theo hướng củng cố vững chắc danh mục sản phẩm hiện tại, đồng thời mở rộng danh sách sản phẩm chế tạo ra trong lớp công nghệ thiết bị phụ trợ cao cấp hơn phục vụ cho các dự án EPC.

Nhằm duy trì nguồn việc, Lilama còn thực hiện dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng và chế tạo thiết bị thay thế cho các máy công nghiệp.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng Lilama phải thúc đẩy trong năm 2021 là nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thu hồi các khoản công nợ, nợ đọng để giảm thiểu hệ số nợ vay và chi phí tài chính phải gánh, góp phần cải thiện tình hình tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục