Việt Nam có nhiều thuận lợi xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Nga

19:48' - 23/11/2021
BNEWS Ngoài các lợi thế do Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản sang LB Nga.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng nông sản sang Nga. Đó là nhận định của Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang (LB) Nga Dương Hoàng Minh khi phát biểu tại Diễn đàn thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt-Nga diễn ra ngày 23/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến giữa hai điểm cầu Việt Nam và Liên bang Nga.
Ông Dương Hoàng Minh đánh giá LB Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới với dân số 146 triệu người, GDP năm 2021 ước khoảng 1.800 tỷ USD, kim ngạch ngoại thương năm 2021 dự kiến đạt 720 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt khoảng 280 tỷ USD. Nga là thị trường nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại Đông Âu.

Trong năm 2020, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật đạt 7 tỷ USD, từ thực vật (11 tỷ USD), dầu động thực vật (1,4 tỷ USD), thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (10,3 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (680 triệu USD). LB Nga nhập khẩu hầu hết các sản phẩm nông sản, thủy sản nhiệt đới.
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Nga đã gia tăng đáng kể.
Ông Dương Hoàng Minh cho biết, vừa qua EAEU đã đưa 76 nước (trong đó có rất nhiều nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về xuất khẩu hàng nông thủy sản vào thị trường Nga và EAEU như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Chile, Peru… ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của khối.

Như vậy, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh và Nga được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết tại Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EAEU. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào EAEU và Nga sẽ chịu mức thuế nhập khẩu thông thường.
Theo nhận định của Tham tán thương mại Dương Hoàng Minh, ngoài các lợi thế do Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản sang LB Nga. Trước hết, tại LB Nga có lực lượng doanh nhân người Việt am hiểu sâu về thị trường, rất năng động, chịu khó tìm tòi các hướng đi mới cho sản phẩm Việt Nam.

Trong các năm gần đây, các món ăn Việt đã ngày càng trở nên phổ biến tại Nga, được người tiêu dùng yêu thích. Tại hầu hết các Trung tâm thương mại ở thủ đô và nhiều thành phố lớn của Nga đều có quán ăn Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ, có gần 800 các nhà hàng, quán ăn bán các món ăn, đồ uống và trái cây của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang Nga.
Để tận dụng tối đa các ưu đãi của FTA trong bối cảnh nói trên, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản có giá trị gia tăng cao sang Nga, Thương vụ Việt Nam tại LB Nga khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành tại Nga như World Food Moscow (tháng Chín hàng năm), Prodexpo (tháng Hai), PeterFood (tháng 11) để tìm hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng, tìm kiếm khách hàng.

Theo Thương vụ, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác thị trường sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Nga. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp cần mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều; đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch (thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ), kiểu dáng bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại LB Nga.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tăng cường đầu tư vào LB Nga để sản xuất các mặt hàng, sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao như cà phê, thủy sản, chế biến trái cây...
Ông Dương Hoàng Minh cho biết, Cơ quan thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Nga.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi khẳng định Việt Nam và LB Nga là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, là đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Năm 2015, Việt Nam và EAEU mà LB Nga là thành viên chủ chốt đã ký FTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
Kể từ khi FTA có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của LB Nga, kim ngạch thương mại song phương Việt-Nga năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2016.

Thương mại hàng nông nghiệp Việt - Nga tăng trưởng cao, đạt 914 triệu USD vào năm 2020, tăng 2,5 lần so với năm 2015. Đặc biệt, xuất khẩu hàng nông nghiệp của LB Nga sang Việt Nam năm 2020 tăng trên 20 lần so với trước khi ký Hiệp định.
Cùng với các điều kiện thuận lợi do FTA mang lại, Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng của hai Bộ Nông nghiệp trong thời gian qua. Hợp tác trong các lĩnh vực thú y, kiểm dịch thực vật, chất lượng VSATTP chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản sang Nga cũng như doanh nghiệp Nga được xuất khẩu thịt vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho trên 50 doanh nghiệp Nga được xuất khẩu thịt (lợn, bò, gia cầm) sang Việt Nam, qua đó tạo thuận lợi cho LB Nga trở thành nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất vào Việt Nam.
Tuy vậy, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng kim ngạch thương mại hàng nông sản vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn khoảng 15-16% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Nga hiện chiếm khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất hàng nông sản của Việt Nam. Trị giá xuất khẩu của Nga sang Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng xuất khẩu các mặt hàng này của LB Nga.
Nhà ngoại giao Việt Nam cho biết, vừa qua, tại Khóa họp 23, Ủy ban liên Chính phủ hai nước đã bàn bạc, thống nhất giao các cơ quan chức năng tiếp tục trao đổi, đưa ra các biện pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hai nước trong tiếp cận thị trường hàng nông nghiệp của nhau trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của hai bên.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng nông sản, thủy sản, Đại sứ Đặng Minh Khôi khuyến nghị các doanh nghiệp hai nước chủ động hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh; tích cực tham gia vào các triển lãm hội chợ chuyên ngành; tiếp tục nâng cao, đảm bảo bền vững các yêu cầu về chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đề nghị các cơ quan quản lý của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, thịt, nông sản tiếp cận thị trường của nhau, giúp cho người dân được được thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, giá cả phù hợp của hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Nông nghiệp hai nước để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thương mại song phương về hàng nông sản, thủy sản; trao đổi, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư; cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp…
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Minh Khôi thông báo Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức LB Nga vào cuối tháng 11/2021. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để nâng tầm quan hệ Việt - Nga sau 10 năm hợp tác chiến lược toàn diện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục