Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng ngành sản xuất giá trị cao

15:53' - 29/12/2023
BNEWS Việt Nam là nước hưởng lợi chính khi khối lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp đôi trong 5 năm qua và tăng gấp ba trong thập kỷ qua, mặc dù Ấn Độ và Malaysia cũng tăng tỷ trọng xuất khẩu.

Ngành sản xuất có giá trị cao của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với việc Chính phủ muốn tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ 25% lên 30% vào năm 2030 bằng cách thu hút thêm đầu tư vào ngành này.

 

Việt Nam có dư địa để đáp ứng sự tăng trưởng đó nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào sản xuất điện tử ở miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng), trong khi miền Nam (Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) có sự kết hợp giữa thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện tử.

Đây là nhận định của Cushman & Wakefield (một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới) được đưa ra trong báo cáo Đa dạng hóa thị trường công nghiệp và những cơ hội mới cho nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương vừa phát hành.

Theo Cushman & Wakefield, khối ASEAN đang nhanh chóng khẳng định mình là trọng tâm tăng trưởng chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút mức đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao. Phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra khi các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và châu Âu tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa hoạt động trong khu vực, mặc dù các nhà sản xuất Trung Quốc cũng tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ.

Khu vực phía Bắc của Việt Nam như Hải Phòng và Hà Nội, đã thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc nhờ vị trí gần nhau cũng như khả năng kết nối địa lý mạnh mẽ trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp đang đầu tư ở cấp độ nhỏ lẻ hơn là chuyển đổi hoàn toàn hoạt động sản xuất sang nước khác.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefieldcho rằng, khu vực này từ lâu đã khẳng định mình là "công xưởng của thế giới", với vai trò quan trọng của Trung Quốc. Quốc gia này chiếm gần 15% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, có liên kết thương mại với hơn 200 thị trường trên toàn cầu và là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 nước trong số đó.

Về phía Trung Quốc, nước này đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất. Cùng với chính sách "Made in China 2025" và sự tập trung nhiều hơn vào tính bền vững, đã thúc đẩy sự chuyển đổi rõ rệt sang các đơn đặt hàng sản xuất hàng hóa cao cấp, giúp Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu trong ngành sản xuất pin xe điện, quang điện và cảm biến lượng tử.

Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, sự tiến triển này ở Trung Quốc đang mang đến các cơ hội cho những nước láng giềng trên toàn khu vực bắt đầu vào giữa những năm 2000. Điều này ban đầu được thúc đẩy bởi áp lực chi phí, bởi những thị trường này có chi phí lao động và bất động sản tương đối rẻ hơn, vốn là những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với phân khúc sản xuất hàng hóa bậc thấp.

Tính theo USD, giá thuê khu công nghiệp ở khu vực Hà Nội mở rộng rẻ hơn 40% so với các thành phố cấp 1 ở Trung Quốc, trong khi thị trường Ấn Độ rẻ hơn 50%.

Tác động của sự chuyển đổi này hiện đang trở nên rõ ràng hơn, khi lần đầu tiên sau một thập kỷ, Trung Quốc dự kiến sẽ sớm chiếm dưới 50% lượng hàng nhập khẩu giá rẻ vào Mỹ vào năm 2023. Việt Nam là nước hưởng lợi chính khi khối lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp đôi trong 5 năm qua và tăng gấp ba trong thập kỷ qua, mặc dù Ấn Độ và Malaysia cũng tăng tỷ trọng xuất khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục