Việt Nam đóng góp rất quan trọng trong quá trình đổi mới AIPA

16:13' - 21/08/2021
BNEWS Trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ giữa AIPO/AIPA và ASEAN, Quốc hội Việt Nam cũng là nghị viện khởi xướng cho việc tạo lập phương thức hợp tác và hiệu quả hơn giữa cơ quan lập pháp và hành pháp.

Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) theo hình thức trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 23-25/8 tới tại Brunei với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại ASEAN đã có cuộc phỏng vấn riêng với Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân về sự chuẩn bị, bối cảnh, ý nghĩa, chương trình nghị sự của sự kiện, cũng như vai trò và đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình đổi mới của AIPA. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Trước hết, xin Bà cho biết bối cảnh diễn ra ĐHĐ AIPA lần này?

Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân: ĐHĐ AIPA 42 diễn ra trong thời điểm đặc biệt, ASEAN đang đứng trước rất nhiều thách thức và khó khăn vô cùng lớn.

Đó là sự bùng nổ làn sóng mới của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có các nước Đông Nam Á, cũng như sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, tình hình phức tạp ở Biển Đông và Myanmar.

Từ ngày 2-6/8/2021 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 đã được tổ chức, trong đó hội nghị nhấn mạnh và khẳng định về giá trị của ASEAN trong bối cảnh khó khăn này, đồng thời củng cố đoàn kết nội khối, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng, thể hiện hình ảnh một ASEAN có trách nhiệm, sẵn sàng phối hợp, ứng phó với các vấn đề nảy sinh.

Một điểm đặc biệt của bối cảnh lần này là tình hình phức tạp tại Myanmar. Các nước thành viên ASEAN đã quyết tâm triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm của các nhà lãnh đạo, trong đó có việc cử Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN - Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei - tới Myanmar, đồng thời cũng quyết định triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai của ASEAN.

Về dịch COVID-19, ASEAN đang tiếp tục các kế hoạch hợp tác lẫn nhau, và nhận được nhiều cam kết của các nước đối tác hỗ trợ ASEAN vượt qua đại dịch, trong đó có vaccine ngừa COVID-19 và các kế hoạch để phục hồi kinh tế sau dịch.

Có thể nói, diễn biến phức tạp của COVID-19 là một thách thức lớn đối với ASEAN lúc này, tuy nhiên các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn tiến triển. Các kế hoạch tổng thể để triển khai việc xây dựng Cộng đồng đến năm 2025 được triển khai đều khắp trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đó là những kết quả rất đáng khích lệ.
Phóng viên: Bà nhận định như thế nào về chủ đề của ĐHĐ AIPA lần này?

Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân: ĐHĐ AIPA 42 do Hội đồng Lập pháp Brunei chủ trì tập trung vào chủ đề “Phát triển hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN 2025”. Với chủ đề này, AIPA thể hiện cam kết ủng hộ Kế hoạch Tổng thể chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025 (ADM2025) được Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất thông qua ngày 22/1/2021.

Đồng thời AIPA 42 cũng phản ánh những ưu tiên xây dựng Cộng đồng ASEAN được thúc đẩy trong năm Chủ tịch ASEAN của Brunei với chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta cùng chuẩn bị và chúng ta cùng chia sẻ”

Sự hợp tác kỹ thuật số giữa các nước thành viên trong giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết để đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái.

Đặc biệt, sự thay đổi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 toàn cầu đã đẩy nhanh sự tăng trưởng của kinh tế số tại các nước ASEAN, buộc ASEAN phải hướng đến việc số hóa, đồng thời nó đã trao cho các quốc gia thành viên một động lực bất ngờ để tiến nhanh hơn trên con đường này.

Để thúc đẩy Kế hoạch tổng thể này, ASEAN cần những dự luật mới để đối phó với mối đe dọa xuyên biên giới nhằm phát triển khu vực thành khối kinh tế kỹ thuật số. Có nhiều lĩnh vực cần phải xem xét lại để phù hợp với những thách thức và công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh không gian mạng, đòi hỏi ở các nước một sự phối hợp chặt chẽ ở tầm khu vực.

Vì vậy các nghị sỹ ASEAN có vai trò quan trọng trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số, nhằm đưa các nước thành viên vượt qua những khó khăn, thử thách do dịch bệnh gây ra, trong đó có việc phục hồi kinh tế khu vực thông qua các dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số.
Phóng viên: Thưa Bà, trong bối cảnh đó, nội dung của ĐHĐ AIPA lần này có những điểm gì đáng chú ý?

Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân: Dự kiến AIPA 42 sẽ thông qua 27 nghị quyết của 5 Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức và Ủy ban nữ nghị sỹ WAIPA. Ủy ban Chính trị sẽ thảo luận các chủ đề về an ninh mạng, thúc đẩy an ninh con người trong chuyển đổi kỹ thuật số, tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ khi có thêm qui định về vấn đề bổ sung khẩn cấp, Đoàn Indonesia đã đề xuất bổ sung chủ đề hỗ trợ của nghị viện về tình hình Myanmar. Nội dung này đã được Ban Chấp hành thông qua và sẽ được thảo luận tại phiên họp của Uỷ ban Chính trị.

Ủy ban Kinh tế thảo luận về hai chủ đề hội nhập kinh tế ASEAN thông qua thúc đẩy số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hợp tác du lịch trong ASEAN. Ủy ban xã hội có 3 chủ đề về đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của công nghệ cao tạo thuật lợi cho người dân tham gia bầu cử.

Ủy ban Tổ chức thảo luận một số vấn đề quan trọng liên quan tới tài chính, kết nạp quan sát viên, quy trình đăng cai Đại hội đồng AIPA, sử dụng Quỹ đặc biệt để chi trả phí vận hành trụ sở mới của Ban thư ký, văn bản hướng dẫn đối thoại AIPA-ASEAN, trao tặng giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA, Quy trình tổ chức Hội nghị nghị sĩ trẻ AIPA, thành lập cơ chế đối thoại EP-AIPA. Hội nghị nữ nghị sĩ sẽ thảo luận về việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, việc làm thông qua dịch vụ kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Phóng viên: Xin Bà cho biết vai trò trách nhiệm của Ban thư ký AIPA trong công tác chuẩn bị cho ĐHĐ AIPA 42.

Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân: Bộ máy Ban thư ký AIPA nhỏ, chỉ khoảng 15 người. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Indonesia phức tạp, Ban thư ký AIPA đã kịp thời chuyển đổi sang phương thức làm việc trực tuyến và giúp nước chủ nhà tổ chức tất cả các hoạt động trong khuôn khổ chính thức của AIPA và các hội nghị, hội thảo với các nước, tổ chức đối tác bằng hình thức trực tuyến với các chủ đề, nội dung thiết thực.

Đối với Đại hội đồng AIPA 42, Ban thư ký AIPA đã phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký Quốc hội Brunei xây dựng dự thảo chương trình nghị sự, chương trình làm việc, cập nhật tình hình các dự thảo nghị quyết, các báo cáo, điều phối quan hệ, cung cấp thông tin, xử lý các nội dung cần thiết giữa nước chủ nhà và các nước nghị viện thành viên, đảm bảo mọi qui trình, thủ tục theo đúng Qui chế và các qui định của AIPA.

Cán bộ Ban thư ký AIPA đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu để tham mưu cho nước chủ nhà về các nội dung phức tạp hoặc đề xuất các phương án xử lý tình huống kịp thời. Chính vì vậy, mặc dù mọi việc liên quan đến việc tổ chức Đại hội đồng, bao gồm cả công tác chuẩn bị nội dung nước chủ nhà chịu trách nhiệm chính, nhưng Ban thư ký AIPA cũng có những tham mưu, đóng góp tích cực để đảm bảo hội nghị thành công tốt đẹp.

Quốc hội Brunei, Ban thư ký AIPA và Ban thư ký Brunei đã tổ chức các cuộc họp với nghị sỹ, chủ trì các phiên họp Uỷ ban của AIPA 42 nhằm trao đổi về các vấn đề nội dung, cách thức chủ trì và sự hỗ trợ của TTK AIPA trong các cuộc họp. Cho tới thời điểm này, mội công tác chuẩn bị quan trọng cho ĐHĐ lần thứ 42 đã hoàn tất. Ban Chấp hành đã họp và quyết định chương trình nghị sự và chương trình hoạt động cũng như các nội dung liên quan sẽ được thông qua tại phiên toàn thể thứ nhất.
Phóng viên: Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng lần đầu tiên trong lịch sử AIPA theo hình thức trực tuyến. Kinh nghiệm và thành công của Việt Nam đã giúp gì cho AIPA và Brunei?

Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân: Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và làm thay đổi mọi mặt của đời sống, Quốc hội Việt Nam đã đứng trước thử thách to lớn trong việc tổ chức ĐHĐ AIPA 41 khi phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến chưa có tiền lệ trong lịch sử AIPA.

Thành công về công tác tổ chức, nội dung của ĐHĐ 41 đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế và giúp các nước thành viên AIPA, Ban thư ký AIPA có thêm sự tin tưởng và động lực khi tổ chức và tham gia các hoạt động của AIPA qua hình thức trực tuyến.

Tiếp nối thành công và qua kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội Brunei đã xây dựng chương trình ĐHĐ AIPA 42 và các cuộc họp liên quan theo đúng cách thức mà Quốc hội Việt Nam đã tiến hành, từ cách tổ chức họp Ban chấp hành, tiếp thu ý kiến cho các dự thảo nghị quyết, các văn kiện khác, cách tổ chức tôn vinh những nghị sỹ giành giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA, hình thức ký Thông cáo chung,… Quốc hội Việt Nam đã đóng vai trò như “người mở đường”, sáng tạo và linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh mới, tạo nên một cách thức tổ chức hội nghị mới lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, giúp ích rất nhiều cho các nước chủ nhà tiếp theo, trong đó có Brunei đỡ lúng túng trong công tác chuẩn bị và tổ chức ĐHĐ AIPA. 
Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về vai trò và sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình đổi mới của AIPA?

Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân: Năm 2021 sẽ kỷ niệm 26 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO/AIPA. Có thể nói vào những thời điểm khó khăn của khu vực, Quốc hội Việt Nam đều có những động thái kịp thời, cùng với nghị viện các nước thành viên AIPA góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.

Đầu tiên phải kể đến là sự kiện năm 1998 - một năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị Ủy ban chuyên đề AIPO về Vai trò của cơ quan lập pháp các nước trước cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực tại Hà Nội năm 1999.

Đây là một trong những hội nghị chuyên đề được AIPO đánh giá cao vì ý nghĩa cũng như nội dung thiết thực của nó, biểu thị sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan lập pháp, trong nỗ lực cùng với ASEAN ứng phó với những khó khăn xảy đến cho khu vực.

Dấu ấn Việt Nam còn được bạn bè nhắc tới, sau khi Việt Nam đã tổ chức thành công nhiệm kỳ Chủ tịch AIPO lần đầu tiên 2001-2002; đăng cai tổ chức ĐHĐ AIPO 23 và ĐHĐ AIPA 31 tại Hà Nội, trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua, có tới 22 nghị quyết là sáng kiến của Việt Nam.

Năm 2002, với cương vị Chủ tịch AIPO, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất và tổ chức Hội nghị Ủy ban điều tra thực trạng về ngăn ngừa hiểm họa ma túy và Hội nghị Ủy ban chuyên đề về tổ chức và khen thưởng của AIPO. Kết quả các đại biểu đã đi đến thống nhất trình Đại hội đồng thông qua việc có một giải thưởng chính thức của AIPO dành cho những người có đóng góp nhiều và hiệu quả nhất cho sự lớn mạnh của AIPO cũng như sự nghiệp chung của ASEAN.

Trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ giữa AIPO/AIPA và ASEAN, Quốc hội Việt Nam cũng là nghị viện khởi xướng cho việc tạo lập phương thức hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn giữa cơ quan lập pháp và hành pháp. Tại Đại hội đồng AIPO-23, với tư cách Chủ tịch AIPO, Việt Nam đã mời Tổng thư ký ASEAN tham dự kỳ họp như một trong những giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa AIPO/AIPA và ASEAN.

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao ASEAN-AIPA trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hàng năm cũng là sáng kiến có nỗ lực đóng góp của Quốc hội Việt Nam. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định khu vực không thể tách rời thế giới, Việt Nam đã sáng kiến mời Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tham dự Kỳ họp Đại hội đồng. Những hoạt động này về sau trở thành thông lệ và được ghi trong Quy chế thành viên AIPO.

Đây là những bước rất quan trọng trong tiến trình đưa AIPO/AIPA hội nhập quốc tế. Tại ĐHĐ AIPA 41, đề nghị của Việt Nam đưa cuộc họp của các nghị sỹ trẻ vào chương trình Đại hội đồng AIPA đã được các nước nhất trí thể hiện trong nghị quyết, nhằm tạo diễn đàn để phát huy vai trò của các nghị sỹ trẻ trong việc giải quyết các vấn đề chung và các vấn đề liên quan đến thanh niên.

Quốc hội Việt Nam cũng có công lao quan trọng trong đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thư ký AIPA thông qua quyết định lần đầu tiên tăng lương cho các cán bộ Ban thư ký. Một vài sự kiện như thế để nói lên rằng, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình đổi mới AIPO/AIPA.

Thông qua các hoạt động này, Việt Nam góp phần thúc đẩy quá trình đoàn kết và thống nhất trong AIPA; góp phần đẩy mạnh sự hợp tác và liên kết nội khối, tác động tích cực tới chính sách và việc thực thi pháp luật của các nước trong ASEAN. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam luôn tôn trọng nguyên tắc của ASEAN là bảo đảm tình hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đề cao nguyên tắc đồng thuận của tổ chức này.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Bà về nội dung cuộc phỏng vấn!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục