Việt Nam-EU: Nỗ lực vì nền thương mại mở

14:49' - 16/07/2019
BNEWS Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Đây là minh chứng khẳng định hai bên nhất quán ủng hộ một nền thương mại mở dựa trên các quy tắc trước nguy cơ xu thế bảo hộ, thậm chí là chiến tranh thương mại, đang gia tăng trên trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay giữa một nền kinh tế mới nổi với EU, EVFTA và EVIPA được xây dựng dựa trên những cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở, công bằng và tuân thủ luật lệ.

Với kim ngạch trao đổi hai chiều tăng khoảng 10 lần sau 15 năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá Việt Nam cùng EU đã chính thức đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác kinh tế mang tính lâu dài, toàn diện, bền vững, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên các quy tắc minh bạch và thông thoáng trong khuôn khổ một Hiệp định về tự do thương mại thế hệ mới.

Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Cao ủy phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom cũng khẳng định cam kết duy trì một hệ thống giao dịch mở và dựa trên quy tắc.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa, lãnh đạo EU nhận thức rõ phát triển thương mại là yếu tố rất cần thiết tạo đà cho tăng trưởng và việc làm cũng như thúc đẩy khả năng cạnh tranh của khối.

Các Hiệp định thương mại sẽ giúp giảm giá, cung cấp sự lựa chọn đa dạng hơn cho người tiêu dùng, trong khi vẫn đảm bảo duy trì và thúc đẩy những tiêu chuẩn rất cao của EU về bảo vệ người tiêu dùng cùng các quyền xã hội và bảo vệ môi trường.

*Mở cửa giao thương

Các nội dung thỏa thuận của EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tới hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.

Cụ thể theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 10 năm. Ngược lại, các sản phẩm của Việt Nam xuất sang EU sẽ được giảm ngay hơn 70% thuế quan, và thời gian để xóa bỏ các sắc thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.

Hiệp định có thể mang lại sự gia tăng đáng kể cho trao đổi thương mại của Việt Nam bởi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cho nhau rất cao.

Phía châu Âu đánh giá Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn đối với các công ty EU trong các lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.

Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam, Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (Hưng Yên). Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Với dân số trên 96 triệu người và một tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng cùng một nền ẩm thực lâu đời và tinh tế, nhu cầu của Việt Nam đối với các mặt hàng nông sản châu Âu dự kiến sẽ gia tăng nhanh chóng. 

EVFTA và EVIPA sẽ giúp các doanh nghiệp EU cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với các đối thủ khác trên thị trường Việt Nam.

Với khả năng giảm giá hàng hóa nhờ thuế nhập khẩu được hạ thấp và đơn giản hóa thủ tục hải quan,  EU sẽ dễ dàng gia tăng xuất khẩu sản phẩm của họ sang Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có lợi thế trong các ngành nuôi trồng như cá, tôm hay hạt điều và có khả năng đáp ứng được nhu cầu to lớn và khắt khe của người tiêu dùng châu Âu về các sản phẩm trên. 

Nhìn chung, nhiều ngành hàng của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ EVFTA, nhưng nhóm các ngành hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, nông sản và thủy sản sẽ có nhiều lợi thế nhất để tăng trưởng xuất khẩu do nhận được nhiều ưu đãi nhờ chính sách cắt giảm thuế sâu.

EVFTA cũng là bước tiến mới rất quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đi cùng với EVFTA sẽ là EVIPA.

Với cơ hội tiếp cận thị trường thuận lợi và quyền lợi được bảo vệ tốt hơn, các doanh nghiệp châu Âu chắc chắn sẽ tăng cường đến Việt Nam để đầu tư, và họ sẽ cùng các doanh nghiệp nội địa tạo ra được năng lực sản xuất tầm cỡ với sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận các công nghệ, tiêu chuẩn và phương pháp quản lý tiên tiến của châu Âu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mình.

*Nâng tầm chất lượng

EU và Việt Nam đã cùng gạt bỏ nhiều rào cản, tạo điều kiện để mở cửa thị trường tối đa cho nhau. Bên cạnh đó, EVFTA còn bao gồm những điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững, trong đó chứa đựng các cam kết về triển khai các tiêu chí của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Công ước của Liên hợp quốc về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

Bởi thế, EVFTA được đánh giá là thỏa thuận toàn diện, chất lượng cao, gắn thương mại và đầu tư với các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, với EVFTA các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức về quy tắc xuất xứ cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại của phía EU.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, từ đó đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn về lao động, môi trường cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho phù hợp.

Việc đưa hàng hóa vào EU không chỉ quan tâm tới số lượng mà phải đặc biệt chú trọng những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Làm được điều đó, doanh nghiệp không chỉ đơn thuần thu được lợi nhuận mà quan trọng hơn là có cơ hội đầu tư vào nguồn nhân lực, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

EU là một thị trường rất khắt khe, luôn đòi hỏi tiêu chuẩn về vùng nguyên liệu an toàn, thương mại công bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và chính sách với người lao động...

Một khi đáp ứng được các tiêu chuẩn để hàng hóa vào được EU, doanh nghiệp có thể dễ dàng xuất khẩu sản phẩm của mình sang các thị trường khó tính khác như Bắc Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc do các thị trường này thường công nhận các tiêu chuẩn của EU và doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý rất tốt mới đáp ứng được các tiêu chí trên.

Theo các chuyên gia, vốn đầu tư từ châu Âu là dòng vốn chất lượng cao nên đây cũng là cơ hội giúp Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng, đón nhận chuyển giao công nghệ, nhất là với khối kinh tế tư nhân.

Với Hiệp định EVIPA, Việt Nam sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường, với các ưu đãi nhận được tương đương nhà đầu tư trong nước.

Độ mở cửa thị trường của Việt Nam với EU cũng cao hơn các nước khác và cao hơn cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Với những quy định chặt chẽ như vậy, EVIPA sẽ có tác động tích cực trong thu hút đầu tư vào Việt Nam, không chỉ từ EU mà còn các nhà đầu tư khác muốn được ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng EVIPA sẽ giúp đầu tư trực tiếp (FDI) từ EU vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng và chất, đưa Việt Nam trở thành trung tâm thu hút thương mại và đầu tư của EU ở khu vực Đông Nam Á.

Việc EVFTA và EVIPA được ký kết cho thấy Việt Nam và EU có chung quan điểm và cùng nỗ lực vì một nền thương mại mở trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc công bằng và văn minh, vì lợi ích của tất cả các bên tham gia ký kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục