Việt Nam-EU và Anh họp bàn triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

21:44' - 03/10/2023
BNEWS Chiều 3/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Tại buổi làm việc ở trụ sở Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã thông báo tình hình triển khai Nhóm công nghệ năng lượng do Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai JETP.

 

Trước đó, ngày 14 tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã cùng Nhóm các Đối tác Quốc tế đưa ra Tuyên bố chính trị về việc thiết lập JETP.

Thỏa thuận JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và Chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

Để triển khai cam kết này, ngày 14 tháng 7 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ JETP và Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.

Theo đó, thành lập các Nhóm công tác để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP gồm: Nhóm Tổng hợp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập; Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập; Nhóm Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập.

Ông Chris Taylor - Đặc phái viên về Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng của Vương quốc Anh cho hay: Việc thành lập Ban Thư ký JETP và cùng nhau xây dựng Dự thảo kế hoạch triển khai JETP cùng với sự tham gia của các bộ liên quan; trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. 

Các đối tác JETP mong muốn Bộ Công Thương chia sẻ về kế hoạch trong triển khai JETP cũng như mong muốn sự hỗ trợ từ phía các đối tác để chương trình thực hiện có hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Ngày 2/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng hỗ trợ triển khai thực hiện JETP. Nhiệm vụ của Nhóm Công nghệ và Năng lượng gồm rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.

Xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.

Để phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ triển khai hoạt động của các Nhóm Công tác trong khuôn khổ JETP, Bộ Công Thương đã cử đại diện tham gia các Nhóm: Thể chế, Chính sách và Đầu tư (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Nhóm Tài chính (Bộ Tài chính).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao sự quan tâm và các đề xuất hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giúp Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Nhóm Công nghệ và Năng lượng nói riêng và thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nói chung.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng; trong đó, xác định cụ thể các nội dung cần ưu tiên hỗ trợ và danh mục các dự án ưu tiên triển khai.

Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã chia sẻ thông tin về Kế hoạch chuyển dịch năng lượng theo Quy hoạch điện VIII đối với các mục tiêu liên quan đến JETP với các nội dung chính.

Cụ thể, gồm phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ JETP với Việt Nam được đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Cùng đó, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện cam kết theo JETP được đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Đồng thời, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. 

Các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế và công nghệ cũ sẽ dừng hoạt động, định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối/amoniac xanh khi giá thành phù hợp. Đến năm 2050, dừng sử dụng than cho phát điện.

Để đáp ứng mục tiêu phát thải phòng bằng 0 vào năm 2050, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg.

Mục tiêu đến năm 2050, phát thải ròng khí nhà kính quốc gia bằng 0. Theo tính toán đến năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất sẽ hấp thụ được 185 triệu tấn CO2 , phát thải của lĩnh vực nông nghiệp là 56 triệu tấn, các quá trình công nghiệp là 20 triệu tấn và lĩnh vực năng lượng là 101 triệu tấn; trong đó, phát thải của ngành sản xuất điện không được vượt quá 35 triệu tấn.

Theo Quy hoạch điện VIII, mức phát thải CO2 của ngành điện năm 2030 đạt 204-254 triệu tấn, 2035 đạt 226-254 triệu tấn và đến năm 2050 sẽ ở mức 27-31 triệu tấn (thấp hơn hạn mức 35 triệu tấn nêu ở trên). Như vậy, lộ trình chuyển đổi năng lượng trong Quy hoạch điện VIII đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong Quyết định số 896/QĐ-TTg.

Liên quan đến sự phối hợp giữa Ban Thư ký JETP và Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG), Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới với vai trò đồng chủ trì, Bộ Công Thương đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và triển khai các chính sách năng lượng quốc gia cũng như hoạt động chung với quốc tế thông qua đối thoại chính sách và những hoạt động khác của VEPG.

Theo đó, VEPG đã thực hiện 40 khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, thông qua cơ chế đối thoại cấp cao trong khuôn khổ VEPG, quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác phát triển trở nên bền chặt hơn, điều này có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với ngành năng lượng nói riêng, mà còn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung.

“Bộ Công Thương đánh giá cao hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo, chủ trì và đồng chủ trì các Nhóm Công tác Kỹ thuật cũng như Ban Thư ký VEPG trong những năm qua, đã thúc đẩy hoàn thành nhiều khuyến nghị chính sách cho ngành năng lượng Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Thời gian qua, VEPG đã hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra trong giai đoạn vận hành đầu tiên. VEPG chính là diễn đàn quan trọng giúp tăng cường hiệu quả cơ chế hợp tác đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và tổ chức phát triển trong và ngoài nước cùng với các bên liên quan khác đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng để thực hiện mục tiêu về chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng và điều kiện phát triển của Việt Nam.

“Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc đề xuất phối hợp hợp tác giữa khuôn khổ VEPG và Ban Thư ký JETP để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp Bộ Công Thương nói riêng và Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Theo ông Tibor Stelbaczky- Đặc phái viên JETP của Phái đoàn Liên minh châu Âu, quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp không chỉ với Việt Nam mà cả với EU và bất cứ quốc gia nào.

Ông Tibor Stelbaczky đánh giá cao tham vọng mà Quy hoạch điện VIII đưa ra cũng như khối lượng công việc khổng lồ mà JETP phải triển khai cũng như mục tiêu trung hòa carbon và tham vọng môi trường khác của Việt Nam. Đối với điện gió ngoài khơi và mặt trời, còn có nhiều cơ hội dành cho Việt Nam.

Là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU trong 9 tháng 2023 đạt 44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 47,1 tỷ USD); trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt giá trị 32,8 tỷ USD, giảm 8,2%, nhập khẩu đạt giá trị 11,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục