Việt Nam sẽ dần mất lợi thế ở nông lâm thủy sản trong trung và dài hạn

21:16' - 21/12/2015
BNEWS Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong trung và dài hạn, chúng ta sẽ dần mất lợi thế ở nông lâm thủy sản, và phải hướng tới phát triển bền vững cho kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Sau 11 tháng năm 2015, nhập siêu nước ta vào khoảng 2,87 tỷ USD, tương đương 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, Việt Nam kiểm soát tốt tình hình nhập siêu, thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội cho phép là 5%.

Trung và dài hạn Việt Nam sẽ dần mất lợi thế ở nông lâm thủy sản. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Tại cuộc Tọa đàm về xuất nhập khẩu do Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/12, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao đổi với báo chí về hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2015.
Phóng viên: Thứ trưởng có thể cho biết những điểm sáng về xuất nhập khẩu chúng ta đã đạt tính đến thời điểm này ?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2015, kinh tế thế giới hồi phục chậm nên nhu cầu thế giới suy giảm cho một số mặt hàng, nhóm sản phẩm thế mạnh. Ví dụ nhóm hàng nông lâm thủy sản thì gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra… rồi các mặt hàng nguyên liệu, khoáng sản có sự sụt giảm sâu về giá như dầu thô, than đá.
Như vậy, trong bối cảnh thương mại khó khăn, nhiều quốc gia có sự sụt giảm tăng trưởng của xuất nhập khẩu như Trung Quốc, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan… thì Việt Nam tính đến hết tháng 11/2015, vẫn đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 9% và nhập siêu kiểm soát dưới 3 tỷ USD.
Ước tính, hết tháng 12, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng xuất khẩu mức gần 10% (mức Quốc hội đề ra) và nhập siêu chắc chắn đạt được yêu cầu của Quốc hội là kiểm soát dưới 5%.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, mặc dù kiểm soát mức nhập siêu tốt, nhưng có thể nhận thấy, xuất khẩu chủ yếu đến từ mảng công nghiệp chế biến, trong khi nhiều mặt hàng chủ lực như nông lâm thủy sản đang có sự sụt giảm. Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình này?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong trung và dài hạn, chúng ta sẽ dần mất lợi thế ở nông lâm thủy sản, và phải hướng tới phát triển bền vững cho kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Có thể trước mắt, chúng ta thấy các mặt hàng quan trọng và nhạy cảm như nông lâm thủy sản có sự sụt giảm trong 2015 nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là nhóm hàng chúng ta phát triển nhanh để nâng cao hơn giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ, năng suất lao động.
Thêm nữa thị trường còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông lâm thủy sản; nguồn cung của các nước xuất khẩu nhóm hàng này cũng dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan, Ấn Độ, Myanma...
Từ đó, đặt ra vấn đề nghiêm túc cho việc tái cơ cấu; trong đó có nuôi trồng thủy sản, vì nếu không tái cơ cấu để phát huy thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ thất bại. Chúng ta sẽ không cạnh tranh được với các thị trường khi việc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, các thị trường ngày càng khó tính.

Xuất khẩu nông sản thủy sán sẽ gặp nhều sự cạnh tranh. Ảnh: TTXVN

Do vậy, trong những năm tới, các doanh nghiệp cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa vào công nghệ chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao thay vì chỉ chạy theo số lượng.
Chúng ta đã có một số mô hình làm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao như Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời... nhưng cần phải nhân rộng hơn nữa các mô hình này.
Phóng viên: Việt Nam vừa tham gia ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA) và TPP, sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành. Vậy theo Thứ trưởng, làm thế nào để đảm bảo xuất siêu bền vững và giữ được mức nhập siêu trong những năm tới?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2016 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, khả năng nền kinh tế thế giới phục hồi chậm và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Cùng với đó, thị trường tiền tệ, giá dầu giảm cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thuận lợi, cụ thể là việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đảm bảo xuất siêu bền vững và giữ được mức nhập siêu trong những năm tới.
Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 được Quốc hội thông qua, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu.
Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016, giải pháp trước mắt là tập trung khai thác, phát huy hết các cơ hội của thị trường, đặc biệt là các thị trường mới để làm sao tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và các mặt hàng, sản phẩm của chúng ta có điều kiện để có năng lực cạnh tranh cao hơn, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai là chúng ta tiếp tục hoàn thiện các thể chế về chính sách, tiếp tục tạo thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp, có những đối thoại để giúp doanh nghiệp tiếp cận được chính sách của Chính phủ. Bộ cũng sẽ lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tiếp cận kịp thời hơn để tăng cường hỗ trợ
Bộ Công Thương sẽ chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện quy hoạch các ngành để tiếp tục ưu tiên phát triển cho các nhóm ngành kinh tế tích cực tham gia hội nhập 2016 và những năm tới.
Ngoài ra, căn cứ bối cảnh đất nước để cụ thể hóa các chính sách cơ chế của Chính phủ và các bộ ngành trong các hoạt động thương mại, đặc biệt các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ hội nhập, cung cấp thông tin về hội nhập cần phải được tổ chức kịp thời, toàn diện…
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục