Việt Nam và Ấn Độ muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

19:48' - 22/09/2022
BNEWS Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng đến nền tảng kỹ thuật, sản xuất và đặt mục tiêu tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Chiều ngày 22/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Công Thương Ấn Độ (BIA) tổ chức tọa đàm "Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ", nhân chuyến thăm của đoàn công tác gồm 42 doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - Việt Nam (IVCCI).

Đoàn công tác chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện, điện tử, kỹ thuật số và công nghệ, nhựa, đóng gói, da giầy, dệt may, cơ khí, xây dựng và bất động sản, bưu chính viễn thông... sang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của phái đoàn Ấn Độ; đồng thời ghi nhận ý nghĩa tích cực của sự kiện này trước Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa 2 quốc gia vào năm nay.

Theo ông Vinh, đối với Việt Nam, Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược về thương mại và còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó, lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật phục vụ sản xuất là bộ phận quan trọng trong thương mại song phương.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng đến nền tảng kỹ thuật, sản xuất và đặt mục tiêu tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chuỗi liên kết, cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm nhiều đối tác và thị trường mới.

Ông Ajoykant Ruia, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - Việt Nam (IVCCI) cho biết, năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 13 tỷ đô la Mỹ (USD). Tính đến tháng 12/2021, Ấn Độ có 313 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 910 triệu USD, đứng thứ 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Năm nay, chính phủ 2 nước đặt mục tiêu phấn đấu đạt 15 tỷ USD.

Hiện nay, với môi trường kinh tế, chính trị ổn định, nguồn lao động trẻ, dồi dào với tay nghề cao. Việt Nam đang là điểm đến an toàn và đáng tin cậy. Các nhà đầu tư Ấn Độ thực sự quan tâm mở rộng đầu tư tại Việt Nam nhờ vào những thế mạnh như công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày....để được hưởng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục