Việt Nam với chiến lược tăng trưởng xanh

06:02' - 20/12/2018
BNEWS Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu khi chuyển đổi từ kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đứng trước những vấn đề môi trường, Việt Nam đã bắt đầu ưu tiên tăng trưởng xanh.

Trên đây là nhận định của trang tin quốc tế IPS trong bài viết đăng tải ngày 18/12.

Dây chuyền sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo tác giả, kinh tế tăng trưởng nhanh kéo theo hiện tượng dịch chuyển dòng người từ nông thôn ra thành thị, kéo theo gia tăng những thách thức xã hội và môi trường. Trong thập kỷ qua, 700 km2 đất đã được chuyển đổi thành các khu đô thị. Lượng khí phát thải của Việt Nam trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang dần tăng cao.

Trong bối cảnh đó, khái niệm về “nền kinh tế xanh” đã nổi lên là ưu tiên chiến lược của Việt Nam. “Nền kinh tế tăng trưởng xanh” là nền kinh tế góp phần cải thiện phúc lợi của con người, xây dựng công bằng xã hội, trong khi giảm thiểu rủi ro môi trường.

Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đang cố gắng thúc đẩy mô hình này. GGGI nỗ lực tăng cường sản xuất năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch tổng thể xanh, chiến lược cho các dự án năng lượng tái tạo và mang lại lợi ích cho các thành phố Việt Nam.

Ông Adam Ward, đại diện của GGGI tại Việt Nam, nhận định Việt Nam mong muốn một nền kinh tế phát triển bao trùm, bền vững và xanh nhất có thể. Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay là Việt Nam có nhu cầu năng lượng cao, và với tốc độ tăng trưởng GDP như hiện nay, nhu cầu này sẽ còn tăng mạnh.

Thách thức thứ hai mà Việt Nam phải đối mặt là tình trạng biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Tình trạng nước biển dâng và hạn hán xảy ra ngày càng phổ biến hơn, trong khi hậu quả của các cơn bão cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Thách thức thứ ba là khoảng 30% dân số Việt Nam sống trong hoặc xung quanh thành phố và tỷ lệ này dự báo lên tới 50% vào năm 2050.

Điều đó mang lại rất nhiều lợi ích về phát triển kinh tế, nhưng cũng gây ra những thách thức về cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà ở…./.

>>> Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục