Vietnam CEO Summit 2018: Doanh nghiệp Việt ưu tiên đầu tư Big Data và điện toán đám mây

15:49' - 25/07/2018
BNEWS Trong Top 5 ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên lựa chọn để đầu tư đa số hướng đến Big Data (tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp) và Điện toán đám mây.
Vietnam CEO Summit 2018: Doanh nghiệp Việt ưu tiên đầu tư Big Data và điện toán đám mây. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN
Với chủ đề "Kỷ nguyên kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới”, Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 đã diễn ra ngày 25/7 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 400 đại diện, bao gồm những lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam (doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng VNR500, FAST500, BP500), các chuyên gia kinh tế, tài chính, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị hàng đầu và đại diện của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước...

Đề cập đến việc các doanh nghiệp lớn Việt Nam đang ứng phó thế nào với kỷ nguyên số, công nghệ AI và Cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, một khảo sát nhanh của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, có 62,5% trong tổng số doanh nghiệp cho biết, đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác.

Trong Top 5 ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên lựa chọn để đầu tư đa số hướng đến Big Data (tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp) và Điện toán đám mây.

Riêng về việc nghiên cứu áp dụng các ứng dụng AI, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều mong đợi AI sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành; tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và có chất lượng cao hơn. Tuy vậy mới chỉ có 13,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết là đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động của doanh nghiệp.

Việt Nam hiện nay đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc; đó là: dân số trẻ, nhiều người có hứng thú với công nghệ mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước...

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới Internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế.

Với những điều kiện như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong cần thay đổi khả năng thích ứng, làm sao để tận dụng được tiềm lực sẵn có và phá vỡ mọi rào cản trong tổ chức, ông Mạnh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các diễn giả và chuyên gia Về kinh tế trí tuệ nhân tạo đã chia sẻ kinh nghiệm và những đề xuất cho Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam về sáng kiến triển khai việc nghiên cứu và ứng dụng cong nghệ trí tuệ nhan tạo vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giáo sư Jason Furman, Đại học Harvard, người chủ trì xây dựng Chiến lược Kinh tế AI cho Chính phủ Mỹ và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama, khuyến nghị, Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng và phát triển Chính phủ Trí tuệ nhân tạo. Chính phủ AI siêu việt hơn Chính phủ điện tử bằng cách áp dụng AI để hỗ trợ việc ra quyết định cho tất cả các chức năng của các lĩnh vực công chính yếu.

Việc đầu tư cho AI nên để khu vực kinh tế tư nhân làm chủ chốt tiến hành. Chính phủ chỉ cần hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển; tránh tạo rào cản bằng việc cấp phép hay phải xin phép sẽ hạn chế quá trình sáng tạo đổi mới. Tất nhiên, khu vực tư nhân chỉ chú trọng nghiên cứu khoa học ứng dụng, nhằm mục đích sinh lợi.

Do đó, Chính phủ cần là người đầu tư và nghiên cứu khoa học cơ bản, nền tảng phát triển mọi công nghệ AI, Giáo sư Jason Furman nhấn mạnh.

Trình bày tại hội nghị, TS. Masahiro Fukuhara, Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty start-up về lĩnh vực nhân sự và giáo dục cho rằng, xã hội đang phát triển với những bước tiến vượt bậc về công nghệ, trong đó AI và Big Data đang trở thành những “yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Do đó, thách thức lớn nhất của các nhà quản lý trong thời đại ngày nay là “quản trị nhân sự”, tuy nhiên việc “phân tích con người” để tìm ra lao động tay nghề cao và phù hợp với vị trí công việc lại chưa được đầu tư tương xứng với sự phát triển của thời đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục