Vinacafe xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi

16:10' - 05/03/2018
BNEWS Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, từ năm 2012, Vinacafe đã hai lần được phê duyệt đề án tái cơ cấu nhưng còn rất nhiều nội dung trong tái cơ cấu mà Tổng công ty còn làm chậm so với các doanh nghiệp khác.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 ngày 5/3 của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu Tổng công ty không chỉ phụ thuộc vào con số có 16.500 ha cà phê mà phải phát huy được vai trò trong thu mua, chế biến, xuất khẩu mới xứng đáng là doanh nghiệp lớn của nhà nước. Từ đó định hướng, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong ngành hàng cà phê cùng phát triển.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, từ năm 2012, Tổng công ty đã hai lần được phê duyệt đề án tái cơ cấu nhưng còn rất nhiều nội dung trong tái cơ cấu mà Tổng công ty còn làm chậm so với các doanh nghiệp khác.

“Chúng ta thường xuyên có thay đổi trong tái cơ cấu. Lần này Tổng công ty đã trình Bộ phương án tái cơ cấu nhưng tôi thực sự chưa yên tâm để trình Chính phủ”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đặt vấn đề, nếu không phát triển dịch vụ thu mua, chế biến, thương mại, xuất khẩu thì không thể phát triển thị trường. Hai đề án tái cơ cấu trước đây không thực hiện được phải chăng là do đề án không khả thi.

Vì vậy, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu định hướng sản xuất kinh doanh của đơn vị phải được xác định rõ và cùng với đó phải có những đề án khả thi. Tổng công ty phải tiếp tục có hội nghị “diên hồng” để lấy các ý kiến đóng góp trong xây dựng đề án tái cơ cấu.

Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2018. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Năm 2018, Tổng công ty Cà phê Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu trên 3.800 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2017; lợi nhuận đạt gần 96 tỷ đồng, tăng 24%. Tổng công ty sẽ tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, hạ giá thành; ổn định sản lượng, đẩy mạnh đầu tư tái canh vườn cà phê mà nhà nước quản lý chặt chẽ về quy trình kỹ thuật, nhất là về giống và đầu tư 100%. Đồng thời, tập trung tăng quy mô về số lượng, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ chế biến, đạt mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả tăng hơn năm 2017.

Theo Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty đã xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới Tổng công ty giai đoạn 2017-2020. Theo đó, cổ phần hóa Công ty mẹ - tổng công ty (gồm 7 công ty nông nghiệp và 3 đơn vị thương mại); cổ phần hóa 18 công ty con; xin chuyển Công ty 715A, Công ty 715C từ thành lập công ty TNHH 2 thành viên sang cổ phần hóa (nếu chuyển đổi được cây trồng); xin chuyển công ty Cà phê Ia Châm sang cổ phần hóa với công ty mẹ, giải thể 4 công ty, 1 công ty chuyển thành hai thành viên (nếu không được thì giải thể).

Năm 2017, Tổng công ty cổ phần hóa 5 đơn vị, gồm: Công ty THNN MTV Cà phê 715B, Công ty cà phê IaBlan, Công ty Cà phê 734, Công ty cà phê Đắk Nông và Công ty Cà phê 705. Tuy nhiên, tại từng đơn vị có những tồn tại chưa được giải quyết như: phương án sử dụng đất chưa được phê duyệt, nhiều tồn tại tài chính chưa xử lý được. Do vậy, Tổng công ty đã điều chỉnh thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kéo dài thời gian công bố doanh nghiệp của đơn vị.

Cũng trong năm qua, Tổng công ty đạt doanh thu trên 3.700 tỷ đồng, tăng 5,2% so với kế hoạch, tuy nhiên lợi nhuận chỉ đạt trên 77 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch. Nguyên nhân lợi nhuận giảm là từ quý I/2017 giá cà phê liên tục giảm, mặt khác diện tích cà phê thành lý để tái canh trong năm nhiều. Do vậy, đã làm giảm năng suất sản lượng, ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của Tổng công ty.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều lĩnh vực Tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Điển hình, hoạt động thu mua sản phẩm để xuất khẩu chỉ đạt 54% kế hoạch; trực tiếp xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu đạt 74%; kim ngạch xuất khẩu đạt 73%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục