Vinachem đặt mục tiêu lợi nhuận 2.430 tỷ đồng

21:06' - 04/01/2024
BNEWS Chiều 4/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Năm 2024, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 53.261 tỷ đồng, bằng 106%; doanh thu cộng hợp 56.497 tỷ đồng, bằng 102% năm 2023; lợi nhuận cộng hợp 2.430 tỷ đồng, trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1.468 lãi 310 tỷ đồng, các đơn vị không thuộc Đề án 1.468 lãi 2.120 tỷ đồng.

 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Tổng Giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp cho rằng, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là dấu mốc kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành hóa chất.

Trước dự báo tình hình địa chính trị thế giới có thể diễn biến hết sức phức tạp, có thể tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy, các đơn vị phải chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp quản trị theo xu hướng chuyển đổi số, tăng cường liên kết trong nội bộ tập đoàn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau nhằm khai thác tốt nhất thế mạnh của mỗi đơn vị, tăng hiệu quả chung của toàn tập đoàn.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, dây chuyền công nghệ và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, bám sát thị trường truyền thống, đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới, thị trường xuất khẩu.

"Các kế hoạch này phải bảo đảm tính khả thi, giảm giá trị tồn kho (sản phẩm, vật tư...); giảm công nợ bán hàng, đặc biệt là nợ quá hạn nhằm giảm thiểu rủi ro về tài chính; giảm định mức tiêu hao; tiếp tục tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,…", Tổng Giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh.

Báo cáo của Vinachem cho hay, năm 2023, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng sự linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp doanh nghiệp hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.362 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 55.286 tỷ đồng (là năm có doanh thu cao thứ 2 sau năm 2022); lợi nhuận đạt 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 1.922 tỷ đồng...

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Hữu Tú cho biết, năm 2023, đơn vị phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế thế giới bị suy thoái; tốc độ tăng trưởng các nhóm ngành sản xuất của các đơn vị trong tập đoàn có dấu hiệu chững lại và gặp khó khăn, ẩn chứa những yếu tố bất lợi; nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài giảm mạnh,... đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước bối cảnh đó, tập đoàn và các đơn vị thành viên đã linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 675 triệu USD, bằng 76,62% kế hoạch năm; trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đạt 465 triệu USD, bằng 90,14% kế hoạch năm; nhập khẩu đạt 210 triệu USD, bằng 57,44% kế hoạch năm. Tập đoàn cũng đã bảo đảm việc làm cho khoảng 18.000 lao động, với mức lương bình quân hơn 13,52 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2023, giá trị thực hiện công tác đầu tư xây dựng đạt 1.614 tỷ đồng (tương đương 135% kế hoạch năm); tổng giá trị giải ngân đạt 1.372 tỷ đồng; trong đó, giải ngân từ nguồn vốn vay thương mại 120 tỷ đồng và giải ngân từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp 1.252 tỷ đồng,...

"Bên cạnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh, tập đoàn đã tập trung thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ quan trọng như hoàn thiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; triển khai xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; tích cực chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao để tái cơ cấu nợ vay 3 dự án phân bón theo kết luận của Bộ Chính trị; hoàn thiện phương án trình cấp có thẩm quyền và thúc đẩy tái cơ cấu dự án Muối mỏ Kali tại Lào,...", ông Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện còn tồn tại một số hạn chế như: sản lượng sản xuất và cung ứng quặng tuyển Apatit vẫn chưa được cải thiện, thấp hơn so với kế hoạch nên có một số thời điểm các đơn vị sản xuất phân bón, hóa chất không đủ nguyên liệu chạy máy, chất lượng quặng đầu vào từ các kho lưu thấp, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh; mặc dù Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt, đơn vị đã khắc phục ngay nhưng một số đơn vị thành viên vẫn thực hiện chưa đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, còn để xảy ra sự cố liên quan đến quản lý chất thải,…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục