Vinachem gặp khó từ các dự án yếu kém

15:32' - 10/07/2020
BNEWS Vinachem kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%.

Ngày 10/7, tại Đà Nẵng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo Vinachem, trong 6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mưa đá, hạn hán, xâm ngập mặn cùng với những khó khăn nội tại... đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của toàn bộ các đơn vị thành viên.

Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của nhóm các công ty con ước đạt 19.971 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 1.907 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại ước lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Các đơn vị thuộc Đề án 1468 bao gồm: dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.

Ngoài ra, doanh thu của hai công ty liên doanh (cao su INOUE, TPC VINA) mà Tập đoàn trực tiếp tham gia góp vốn ước 6 tháng đạt 2.208 tỷ đồng. Các công ty liên kết như NET, Cao su Sao vàng, Xuất nhập khẩu Hóa chất, Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ổn định.

Dự báo, quý III/2020, doanh thu tập đoàn đạt 10.210 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30.181 tỷ đồng.

Lợi nhuận cộng hợp của Tập đoàn dự kiến quý III lỗ 546 tỷ đồng; trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng...

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt quá khó khăn, đại diện lãnh đạo Vinachem kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%.

Đồng thời, sửa Luật số 106/2016/QH13 để sản phẩm phân bón xuất khẩu được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và dự án đầu tư sản xuất phân bón được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với các thiết bị máy móc vật tư cho dự án;sửa Nghị định 122/2016/NĐ-CP như sau: bãi bỏ khoản 4, điều 4 Nghị định 122/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, với khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại cho các Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai, Vinachem cũng mong muốn được cơ cấu kéo dài thời hạn vay, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả; điều chỉnh lãi suất tiền vay; có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động.

Trước đó, trong báo cáo số 222/BC-CP của Chính phủ nêu rõ, cả 4 dự án ngành hóa chất của Vinachem đang nằm trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả. Đến nay, duy chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng (Công ty cổ phần DAP - Vinachem làm chủ đầu tư) dù còn lỗ lũy kế, song đã có lãi 3 năm gần đây.

Báo cáo cũng chỉ ra hướng xử lý trong thời gian tới là Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về việc đưa dự án ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, còn lại cả 3 dự án đều vẫn "ngập" trong nợ nần.

Theo báo cáo trên, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình làm chủ đầu tư) khởi công tháng 5/2008, đến tháng 9/2012 được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại. Tháng 7/2016, Nhà máy dừng sản xuất do không đủ vốn lưu động và thua lỗ kéo dài.

Đến ngày 19/1/2017, Nhà máy tiếp tục vận hành trở lại ở mức 85% công suất và đến ngày 30/1/2017 đã có sản phẩm hợp cách, được tiêu thụ hoàn toàn sau khi sản xuất.

Đến hết năm 2019, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình có vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 5.706 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn; chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC), chưa quyết toán được dự án.

Cũng như Đạm Ninh Bình, dự án Nhà máy phân đạm Hà Bắc (Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư) cũng đang gánh những khoản nợ khổng lồ.

Theo đó, dự án này khởi công tháng 11/2010 và đến tháng 4/2015 được bàn giao tạm thời, đưa vào vận hành thương mại; tháng 12/2015, chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng (chậm 36 tháng so với phê duyệt lần đầu).

Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu âm 523,3 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.166 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 9.689 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 3.245 tỷ đồng. Công ty thiếu vốn lưu động, chi phí tài chính cao (30% tổng doanh thu). Áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn dẫn đến dự án bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng; chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC, chưa hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC.

Một dự án khác của Vinachem là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai (Công ty CP DAP số 2 – Vinachem làm chủ đầu tư). Khởi công tháng 12/2011, dự án chạy thử nghiệm thu vào ngày 30/6/2016 đạt yêu cầu cơ bản về công suất và chất lượng sản phẩm (199/200 chỉ tiêu). Tháng 7/2015, nhà thầu EPC đã bàn giao tạm thời cho chủ đầu tư đưa vào vận hành thương mại.

Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu âm 731,7 tỷ đồng, tổng tài sản là 4.417,8 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 5.164 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 2.230 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính chiếm trên 20% giá thành.

Do áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn  dẫn đến dự án bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Đến nay, dự án cũng chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC, chưa hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC...

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với Vinachem, yêu cầu Tập đoàn đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ để xây dựng phương án xử lý phù hợp. Vinachem đang triển khai xây dựng phương án theo chỉ đạo từ Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục