Vinamilk tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới

12:36' - 01/07/2020
BNEWS Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk đang đa dạng hóa sản phẩm bằng việc sáp nhập, liên doanh, liên kết để tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có của mình và đối tác.
Cùng với đó, doanh nghiệp này liên tục khai phá cơ hội xuất khẩu từ các thị trường tiềm năng. Nhờ vậy kết quả kinh doanh Quý II của Vinamilk hồi phục mạnh.
Chiến lược tiếp cận phù hợp
Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, mới đây tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk (mã chứng khoán: VNM), bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk ước tính doanh thu 6 tháng của doanh nghiệp tăng 7%, lợi nhuận trước và sau thuế đều tăng 3% so với cùng kỳ.
Dựa vào kết quả 6 tháng này của Vinamilk, các nhà phân tích từ HSC cho rằng, doanh thu thuần của Quý II/2020 của Vinamilk là 15.775 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. So với Quý I, kết quả kinh doanh Quý II của Vinamik đã hồi phục tích cực với doanh thu thuần tăng 11,5% và lợi nhuận thuần tăng 11,9% so với quý trước.
Xét theo khu vực kinh doanh, doanh thu nội địa tăng mạnh ở mức 12,4% so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi sự quay trở lại của sữa học đường từ tháng 5, tăng trưởng ở kênh bán hàng truyền thống và kênh hiện đại và hợp nhất Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán: GTN).
Theo ước tính của HSC, mức tăng trưởng hữu cơ nội địa (không bao gồm Công ty cổ phần GTNfoods) là khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ có nguồn cầu mạnh mẽ ở các thị trường trọng điểm.
Ông Mai Hoài Anh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết, Vinamilk đã có kinh nghiệm hơn 20 năm, xuất khẩu đi 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại nhiều thị trường, sản phẩm sữa luôn là mặt hàng cạnh tranh nên bước đầu chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Nhưng Vinamilk sẽ chuẩn bị kỹ để đưa ra những chiến lược tiếp cận phù hợp bằng những sản phẩm thế mạnh của mình để khai thác hiệu quả thị trường này.
Năm 2019, doanh thu từ mảng xuất khẩu trực tiếp của Vinamilk đạt 5.175 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với 2018, đóng góp vào tổng doanh thu đạt 56.318 tỷ đồng. Quý I/2020, vượt qua các khó khăn chung do đại dịch COVID-19, mảng xuất khẩu của Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần 1.081 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với 2019 và đóng góp vào tổng doanh thu quý I là 14.153 tỷ đồng.
Kết quả này đến từ việc Vinamilk liên tục khai phá cơ hội xuất khẩu từ các thị trường tiềm năng. Đầu năm 2020, Vinamilk ký hợp đồng xuất khẩu sữa 20 triệu USD đi Trung Đông. Tiếp đó, trong điều kiện giãn cách xã hội, công ty xuất thành công lô sữa đặc đầu tiên sang Trung Quốc và nhiều nước khác.
Mới đây, các sản phẩm sữa hạt và trà sữa của Vinamilk đã chính thức có mặt tại Hàn Quốc thông qua các trang bán hàng thương mại điện tử lớn tại đây với những kỳ vọng tốt về sự đón nhận của người tiêu dùng nước này.
Theo các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV, xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ là một thử nghiệm tốt khi thị trường sản phẩm dinh dưỡng tại nước này được cho là cạnh tranh rất khốc liệt, với sự thống lĩnh của các tập đoàn thực phẩm lớn trong nước.
Với chỉ riêng sản phẩm sữa đậu nành đã có gần 40 chủng loại khác nhau có mặt trên thị trường. Các sản phẩm sữa đậu nành hạt và trà sữa của Vinamilk đã bắt đầu được bán từ tháng 6 trên các trang thương mại điện tử của Hàn Quốc như 11St và eBay Korea.
Ngoài ra, Vinamilk là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam đăng ký thành công vào danh sách các cá nhân tổ chức được xuất khẩu sữa vào khu vực Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU).
EAEU là thị trường chung của 5 nước gồm Liên bang Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan và là khu vực kinh tế có tốc độ phát triển tích cực. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.900 tỷ USD và 183 triệu dân (năm 2018), liên minh EAEU tuy mới được thành lập năm 2015 nhưng là một khu vực có tiềm năng phát triển rất lớn.
Ông Mai Hoài Anh cho rằng, sự kiện doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào EAEU không chỉ có ý nghĩa với Vinamilk mà còn đối với cả ngành sữa Việt Nam nói chung, khi mở ra cách cửa cho sữa Việt tiến vào một thị trường mới đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Nga và các nước thuộc EAEU vốn là những quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa rất phát triển và lâu đời, nên song song với cơ hội thì vẫn còn rất nhiều thử thách cần doanh nghiệp đưa ra chiến lược đúng đắn để khai thác hiệu quả thị trường.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 mới công bố, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu cho năm 2020 là 59.600 tỷ đồng tăng 5,7% so với mức thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6%, lợi nhuận sau thuế đạt 10.690 tỷ đồng, tăng 1%.
Trước đó, theo Báo cáo Thường niên năm 2019 của Vinamilk, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2020 không thấp hơn 62.000 tỷ đồng, tăng 10%. Lợi nhuận trước thuế không thấp hơn 12,400 tỷ đồng.
Như vậy, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kế hoạch doanh thu hợp nhất của Vinamilk giảm xuống, nhưng mục tiêu lợi nhuận còn được doanh nghiệp đề ra cao hơn dự kiến ban đầu.
Mở rộng ngành nghề kinh doanh
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV, Vinamilk gia tăng sự hiện diện bằng hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống “Hi – Café”.Sau khi mở cửa hàng thử nghiệm đầu tiên tại Trụ sở chính tại quận 7, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, Vinamilk sẽ bắt đầu tung ra hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ thương hiệu “Hi- Café” với cà phê Arabica kết hợp với sữa đặc, đồ uống khác và một số thức ăn kèm.
Trong thời gian tới, Vinamilk dự kiến sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh nhưng chưa công bố về tốc độ mở rộng hay vốn đầu tư cho dự án này.
KBSV cho rằng, điều này đánh dấu sự khởi đầu của việc mạo hiểm vào các lĩnh vực kinh doanh mới để tạo ra cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh ngành kinh doanh truyền thống là sữa và các sản phẩm từ sữa đã bão hòa.
Ngoài ra, Vinamilk còn đăng ký thêm nhiều ngành nghề khác như bán lẻ túi nilon và túi sử dụng nhiều lần; sản phẩm đường thương mại có chức năng chuyên biệt dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng; bán các nguyên vật liệu cho các công ty con của Vinamilk để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty này.
Vinamilk cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán: KDC) để thành lập liên doanh để mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường đồ uống và kem.
Theo đó, Vinamilk sẽ sở hữu 51% và KDC sẽ sở hữu 49% cổ phần của công ty mới có thương hiệu riêng và được gọi là VIBEV. Công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nước giải khát, bao gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa… không bao gồm các loại nước có gas; sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh; trong đó, ngành kem hướng đến phân khúc cao cấp.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO – Kido Foods, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (công ty mẹ của Kido Foods) cho rằng, Vinamilk là đối tác tối ưu vì cả hai công ty đều có mục tiêu mang đến những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng Việt Nam.
Vinamilk là một trong những công ty đầu ngành sữa, trong khi Công ty cổ phần Tập đoàn Kido có thế mạnh trên thị trường kem. Vì vậy, việc liên doanh giữa 2 doanh nghiệp này tích hợp được thế mạnh về hệ thống kênh phân phối của cả 2 bên, có thể khai thác đến 1 triệu điểm bán.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Kido ước tính doanh thu công ty liên doanh sẽ đạt 2.000 tỷ đồng trong năm đầu tiên.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu VNM có giá 112.700 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 3,1% so với mức giá mở cửa phiên giao dịch đầu năm (2/1). Hiện P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận trên một cổ phiếu) của VNM là 18,69 lần. Vốn hóa thị trường đạt hơn 169.253 tỷ đồng.
Vinamilk cũng tiếp tục duy trì chính sách cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho năm tài chính 2020, thông qua tạm ứng cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu cho đợt 1/2020 (ngày chốt danh sách dự kiến 30/9/2020) và 1.000 đồng/cổ phiếu cho đợt 2/2020 (ngày chốt danh sách dự kiến 31/12/2020).
Vinamilk cũng sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối với tỷ lệ 5:1, giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu và tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thời gian dự kiến thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng là Quý IV/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục