Vinatex kiên trì mục tiêu bảo vệ nguồn lực lao động

12:38' - 31/07/2020
BNEWS Vinatex với gần 160.000 lao động đã và đang ngày đêm nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để không ai mất việc làm.

Trong lúc cả thế giới khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội vẫn duy trì ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, thì cũng là lúc nhiều người lao động mất việc làm. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Tập đoàn) với gần 160.000 lao động đã và đang ngày đêm nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để không ai mất việc làm và với việc Việt Nam đang ghi nhận những ca mắc bệnh trở lại trong cộng đồng thì công việc này càng trở nên khó khăn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn.

Ngay từ ngày đầu tiên quay trở lại công sở sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, Tập đoàn đã bắt đầu với cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 với nhiều dự báo nhanh được đưa ra về những khó khăn sẽ phải đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020.

Tiếp sau đó, vào ngày 25/3, hội nghị trực tuyến toàn quốc của Tập đoàn với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao tại các đơn vị thành viên đã được tổ chức và xác định các thách thức cơ bản cũng như mức độ sụt giảm của thị trường. Đó là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu; cầu tiêu dùng dừng đột ngột, kéo theo hàng hóa đã sản xuất không thể xuất khẩu được; vật tư đã nhập về không thể đưa vào sản xuất; hàng hóa đã xuất khẩu không được thanh toán; đơn hàng mới không được đặt hàng...

Tình trạng thiếu việc làm, thiếu nguồn tài chính đặt doanh nghiệp đứng trước rủi ro bị đứt thanh khoản, thiếu nguồn tiền để trả lương cho người lao động. Khó khăn là vậy, nhưng Tổng công ty May Hưng Yên vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất khá ổn định và có thể chia đều việc làm cho người lao động.

Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, do ảnh hưởng khó khăn, mức thu nhập của người lao động có giảm so với trước đây, nhưng người lao động đều quyết định ở lại với công ty để cùng nhau vượt qua quãng thời gian khó khăn này.

“Hiện nay, chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý III và đang tìm kiếm đơn hàng cho quý IV. Mặc dù rất lo lắng nhưng Ban lãnh đạo May Hưng Yên vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để vượt qua năm 2020 đầy thách thức này” - bà Phạm Thị Phương Hoa nói.

Thời gian qua, Tập đoàn đã phát triển nhanh, sáng tạo các mặt hàng phục vụ nhu cầu phòng chống đại dịch COVID-19, chủ yếu là khẩu trang và quần áo phòng dịch. Xác lập và duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất, dẫn dắt thị trường trong các mặt hàng này; bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi với mục tiêu duy trì thu nhập và việc làm cho nhiều người lao động nhất có thể là phương châm hành động của Tập đoàn.

Với những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, Tập đoàn đã vượt qua 6 tháng đầu năm với kết quả đáng khích lệ so với mức độ suy giảm của thị trường. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất ước giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi dự báo giảm tới trên 30%; lợi nhuận hợp nhất ước giảm xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi dự báo giảm tới 50%.

Đa số các đơn vị thành viên vẫn tạo ra lợi nhuận, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành sợi do khó khăn kéo dài về thị trường và bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến bất lợi.

Theo ông Lê Tiến Trường, điều quan trọng nhất, thành công lớn nhất đó là các doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn duy trì được việc làm cho 100% người lao động. Dù thời gian làm việc và thu nhập giảm nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với việc phải nghỉ và hưởng trợ cấp thôi việc.

Mặc dù vậy, thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp dệt may lại là thời gian tới đây và trước mắt là trong 6 tháng còn lại của năm 2020. Đó là khó khăn về thị trường dệt may đã đưa ra dự báo từ đầu năm là hoàn toàn chính xác.

Đó là việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn. Giá thấp hơn. Áp lực của người mua lớn hơn. Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm vừa qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, tình hình thị trường của tất cả các sản phẩm trong chuỗi cung ứng dệt may đều khó khăn, do đó, cần triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. Cụ thể, tổ chức sản xuất trên cơ sở đội ngũ được thanh lọc, tinh nhuệ, đúng khu vực tạo ra giá trị. Tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấp nhận cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì hệ thống.

Mặc dù quy mô của thị trường nội địa nhỏ, chỉ chiếm 10% năng lực của ngành, do đó không thể là giải pháp cho giải quyết việc làm. Tuy nhiên, vẫn cần được quan tâm như là một giải pháp cho tâm lý người lao động, khích lệ tinh thần sử dụng hàng Việt Nam. Tập đoàn cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho miễn bảo hiểm xã hội, công đoàn phí năm 2020; có chính sách hỗ trợ tín dụng tại các ngân hàng; giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp.

Như vậy, trước diễn biến mới của dịch, thời gian tới đây sẽ là cuộc thử lửa khốc liệt đối với các doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp dệt may. Vượt qua được 12 tháng tới, các doanh nghiệp mới có cơ hội để tiếp tục phục hồi và phát triển, đồng thời cũng là sự khẳng định năng lực của các doanh nghiệp còn tồn tại.

“Tỉnh táo – Sáng tạo – Đoàn kết – Phản ứng nhanh sẽ là chìa khóa thành công trong thực hiện nhiệm vụ của 12 tháng tới. Không có lời giải chung cho các doanh nghiệp, mà mỗi doanh nghiệp sẽ cần có lời giải của riêng mình, phù hợp với mình để từng bước vượt khó khăn"- ông Lê Tiến Trường nói.

Các chuyên gia đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm; thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp; việc làm không đủ cho toàn bộ hệ thống, thấp hơn cả mức có thể san sẻ của người lao động cho nhau để duy trì 100% việc làm.

Để duy trì ổn định sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã xác định được những mục tiêu cốt lõi phải bảo vệ như tích cực chăm sóc và giữ chân khách hàng cũng như duy trì vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Tập đoàn áp dụng mọi biện pháp có tính hợp tác, chia sẻ giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Đội ngũ người lao động cần được duy trì để đảm bảo khi thị trường quay trở lại, doanh nghiệp có sẵn lực lượng để nhanh chóng phục hồi sản xuất, chiếm giữ thị trường và khách hàng./.

>>> Ảnh hưởng của COVID-19 với ngành công nghiệp may mặc ở các nước đang phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục