VinCommerce, động lực tăng trưởng của Masan

10:45' - 26/05/2020
BNEWS Trong Quý 1 năm 2020, doanh thu của VinCommerce (VCM) đã đạt tới 8.709 tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Masan), tăng 40,3% so với mức doanh thu 6.206 tỷ đồng của Quý 1/2019.

Sau thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19, rất nhiều người tiêu dùng đã thay đổi thói quen từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp bán lẻ tận dụng cơ hội đưa ra các chương trình mua sắm online đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nghiên cứu mới đây của Công ty Nielsen Research Việt Nam cho thấy, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch COVID-19 khi họ tăng cường tích trữ các sản phẩm thiết yếu; tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online... 

Đặc biệt, đại đa số người tiêu dùng đều khẳng định dù hết dịch vẫn sẽ lựa chọn phương thức mua hàng trực tuyến bởi phương thức dễ dàng và thuận tiện.

Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý khách hàng, ngay từ cuối tháng 3, hệ thống siêu thị Vinmart (thuộc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce) đã nâng cấp phần mềm tiếp nhận đơn hàng trực tuyến và nhanh chóng ra mắt "đội quân đi chợ hộ" với các cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh gồm điện thoại, app và website.

Theo đó, khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại tại các siêu thị gần nhất, hoặc truy cập link để đi chợ Vinmart online ngay: https://vinmart.com. Hoặc, cũng có thể đặt hàng qua app VinID, chỉ cần chọn tính năng đi chợ. Vinmart cung cấp danh mục hơn 100 sản phẩm thiết yếu nhất và cập nhật các mặt hàng khuyến mại giảm giá.

Nhờ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, VinCommerce đã đảm bảo được doanh số bán hàng trong bối cảnh dịch COVID-19. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng chung của Masan.

Theo Masan, trong thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19, khách hàng đến mua sắm trực tiếp tại các siêu thị giảm mạnh. VCM đã triển khai ngay kênh bán hàng online, nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm thuận lợi cũng như đảm bảo doanh số bán hàng.

Thực tế cho thấy, khi kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VinCommerce với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc, Masan tạo ra lợi thế để xây dựng một hệ thống bán lẻ hiệu quả.

Cụ thể, hệ thống VinMart có doanh thu bán lẻ tăng 27% so với quý I/2019; hệ thống VinMart+ có doanh thu bán lẻ tăng 20% so với quý IV/2019 và 90% so với quý I/2019.

Theo báo cáo kết quả hợp nhất tài chính Quý 1 năm 2020 của Masan Group công bố mới đây cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2020 của Masan đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với mức 8.160 tỷ đồng của Quý 1/2019.

Đáng chú ý, riêng doanh thu của VinCommerce (VCM) đã đạt tới 8.709 tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Masan), tăng 40,3% so với mức doanh thu 6.206 tỷ đồng của Quý 1/2019; tức tăng về giá trị tuyệt đối tới hơn 2.500 tỷ đồng. Còn so với quý 4/2020, mức tăng trưởng đạt 17%.

Đây là Quý đầu tiên VCM có mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh sau thương vụ sáp nhập giữa Masan và Vingroup, với biên lợi nhuận EBITDA (lãi trước thuế, khấu hao...) đang âm 5,1% so với mức âm 9,1% của cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Masan cũng chỉ ra rằng, sự tăng trưởng của VCM được cho là nhờ doanh số bán hàng đạt mức hai chữ số tại Hà Nội cùng đóng góp doanh thu của 27 siêu thị VinMart và 1.192 siêu thị mini VinMart+ mới mở cửa trong năm 2019... và tăng trưởng doanh số mạnh mẽ bù đắp cho tốc độ mở rộng điểm bán chậm lại trong Quý 1/2020 nhằm tối ưu hóa mạng lưới điểm bán của VCM.

Với mức tăng trưởng ấn tượng của VCM trong Quý 1, Chủ tịch Tập đoàn Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong Quý 1/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với Quý 1/2019. 

"Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của COVID-19, nhưng tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới. COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta" - ông Quang nói.

Dựa trên kết quả của Quý 1, Masan cũng đưa ra mục tiêu năm 2020 doanh thu của Vinmart sẽ tăng 48%, tăng trưởng các cửa hàng hiện hữu 24%, trong khi con số này của Vinmart+ là 78% và 25%. Tăng trưởng doanh số mạnh mẽ bù đắp cho tốc độ mở rộng điểm bán chậm lại trong quý I nhằm tối ưu hóa mạng lưới điểm bán của VinCommerce.

Dự kiến, chuỗi cửa hàng Vinmart sẽ tăng tỷ suất lợi nhuận gộp ngang bằng với thị trường, tăng lưu lượng hàng hóa qua trung tâm phân phối để giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn.

Masan cũng sẽ đóng cửa 150 - 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hoặc không đạt chỉ tiêu lưu lượng. Đồng thời, hệ thống này sẽ tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, phát triển mô hình mới cho các tình ngoài Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm.

Cũng theo báo cáo kết quả hợp nhất tài chính Quý 1 năm 2020 của Masan, doanh thu của Công ty tiêu dùng Masan (MCH) tăng trưởng 22,4%; ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife (MML) tiếp tục mở rộng quy mô khi doanh thu thuần đạt 453 tỉ đồng, tăng trưởng 85% so với Quý 4/2019.

Trong hoạt động của Masan vừa qua, duy nhất doanh thu thuần từ công ty Masan Resources giảm 10,4% do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp vì tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, công ty này kỳ vọng có thể bán đồng tồn kho từ quý 2/2020 trở đi để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tạo ra dòng tiền mặt tốt hơn.

Từ nay đến cuối năm, Masan cũng đưa ra các giải pháp nhằm đưa mức lỗ của VCM xuống mức âm 3% hoặc hoà vốn.

Theo đó, Masan sẽ đối sánh các điều khoản thương mại với nhà cung cấp nhằm đạt mức ngang bằng thị trường, tập trung vào việc giảm chi phí phí hoạt động tại cửa hàng.

Bên cạnh đó, tái cấu trúc nền tảng logistic để thúc đẩy hiệu quả hoạt động; Tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng với việc đóng cửa các cửa hàng không có khả năng đạt lợi nhuận.

Đồng  thời, phát triển danh mục hàng hóa chủ chốt, đảm bảo các sản phẩm trong danh mục này có mặt tại tất cả các cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm danh mục sản phẩm phù hợp theo vùng miền và mùa vụ. Chuyển trọng tâm của VCM sang đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, số hóa toàn bộ nền tảng, quản lý theo thời gian thực và loại bỏ các quy trình thủ công nhằm giảm thiểu sai sót trong quá trình vận hành và cải thiện hiệu quả hoạt động./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục