Vĩnh Phúc dành hơn 6.800 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

15:02' - 28/08/2020
BNEWS Giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc sẽ dành hơn 6.800 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; đồng thời duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Để đạt mục tiêu này, giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc sẽ dành hơn 6.800 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ dồn thửa đổi ruộng để tiến hành sản xuất quy mô lớn; lồng ghép với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm…

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong 10 năm, Vĩnh Phúc đã huy động được hơn 12.800 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đầu tư hơn 528 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 724 km đường trục thôn, ngõ xóm, 716 km đường trục chính nội đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,11%; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.

Để duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Triệu Đề là một trong 2 xã được huyện Lập Thạch chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ một xã có điều kiện kinh tế khó khăn, Triệu Đề đã mang một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Triệu Đề cho biết, ngay sau khi được chọn làm xã điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, Đảng ủy và chính quyền xã Triệu Đề đã chỉ đạo đến từng thôn, xóm tổ chức họp bàn với dân, triển khai tuyên truyền, vận động người dân cùng chung sức xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với tinh thần "Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới".

Xã xác định và xây dựng kế hoạch cụ thể những việc cần phải làm để hoàn thiện từng tiêu chí. Với phương châm "dân làm, dân hưởng thụ" nên các tiêu chí "sáng - xanh - sạch" và vui chơi thể thao ở các thôn, xóm được người dân tự bàn, thống nhất mức, phương thức đóng góp và triển khai thực hiện.

Đến nay, người dân trong xã đã hiến gần 15.000 m2 đất nông nghiệp, tiếp tục xây dựng thêm 14 tuyến đường giao thông nội đồng, 11km cống, rãnh thoát nước thải; xây mới Trường mầm non xã và tu sửa, nâng cấp một số công trình phụ trợ khác nhằm đáp ứng yêu cầu xã nông thôn mới nâng cao.

Kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân trong thôn đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.

Là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Yên Lạc tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lạc cho biết, để triển khai hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp dân cư.

Huyện Yên Lạc huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có, bảo tồn nhiều công trình lịch sử, văn hóa.

Nhằm nâng cao tiêu chí môi trường, huyện Yên Lạc đầu tư 65 bãi xử lý rác thải, đưa 9 lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên vào hoạt động tại các xã, thị trấn; xây dựng, cải tạo hơn 70 km cống, rãnh thoát nước thải, qua đó đã khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư.

Yên Lạc đã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, giảm nghèo. Huyện chú trọng xây dựng các mô hình trang trại, gia trại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thu nhập cao như: trồng bí đỏ ở xã Tề Lỗ, Tam Hồng; trồng chuối tiêu hồng, bưởi năm roi ở Liên Châu, Hồng Châu, Nguyệt Đức; trồng cây ăn quả ở xã Trung Kiên, Liên Châu… cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục