Vốn chính sách giúp học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vượt khó

10:34' - 01/08/2024
BNEWS Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục giải ngân nguồn vốn đối với học sinh sinh, viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước).

Nguồn vốn đã và đang giúp nhiều học sinh, sinh viên yên tâm bám trường bám lớp và có công việc làm ổn định.

 

Nguồn vốn tạo động lực vượt khó

Gần 2 năm qua, hộ gia đình chị Thị Khách (dân tộc S’tiêng ở thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa) đang sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cho vay ưu đãi để đầu tư cho các con học tập. Vốn vay với số tiền 80 triệu đồng đã giúp cho gia đình chị Khách giải quyết khó khăn trước mắt để lo cho con yên tâm đi học.

Theo chị Thị Khách, hơn 3 năm nay, với diện tích vườn khoảng 2ha trồng điều thường xuyên bị mất mùa. Gần đây nhất, trong niên vụ 2023-2024, gia đình chỉ thu hoạch về khoảng 15 triệu đồng. Nguồn thu nhập giảm so với nhiều năm đã khiến cuộc sống gia đình chị Khách gặp nhiều khó khăn. Việc 2 đứa con đang tuổi đến trường trở thành gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, năm 2023, nguồn vốn vay đối với học sinh, sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho gia đình vượt khó.

“Gia đình tôi rất may mắn khi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay dành cho sinh viên, học sinh. Số tiền này đã giúp cho con tôi trang trải học phí và chi phí trong quá trình học gần 2 năm qua”, chị Khách phấn khởi chia sẻ và cho biết thêm, ngoài nguồn vốn vay dành cho sinh viên, học sinh đã lo cho con, gia đình chị còn đi làm thuê, nuôi thêm đàn lợn để có thêm nguồn thu lo cho các con đi học cũng như trang trải cho gia đình.

Còn gia đình ông Điểu Grêm ở thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập với số tiền 180 triệu đồng cho 4 người con từ năm 2017. Ông Điểu Grêm cho biết: “Gia đình tôi nhiều con đi học xa nên gặp nhiều khó khăn lắm. Từ khi tiếp cận với nguồn vốn vay đối với học sinh sinh viên nên các cháu đều cố gắng học tập đến nơi đến chốn. Hiện nay, tôi còn 2 đứa con đang là sinh viên, còn lại đã ra trường có công việc làm ổn định”.

Đến nay, gia đình ông Điểu Grêm đã trả 80 triệu đồng, chỉ còn 2 sinh viên đang theo học. “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, khi nhận được vốn vay đối với học sinh, sinh viên nên mừng lắm. Có tiền đóng học phí cho con hàng năm đã giúp gia đình giải quyết khó khăn. Các con vươn lên học và ra trường đúng hẹn nên cũng mừng”, ông Grêm phấn khởi.

Điển hình, chị Thị Brơu, con ông Điểu Grêm là một trong những người con được thụ hưởng từ nguồn vốn vay đối với học sinh, sinh viên. Hiện nay, Thị Brơu đang công tác tại trường học trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Chị Thị Brơu chia sẻ, lúc đầu khi đậu Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chị rất lo lắng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ không được tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, sau khi nhập học và vay nguồn vốn đối với học sinh sinh viên đã tạo cơ hội giúp chị tiếp tục học tập và ra trường có việc làm tại địa phương.

"Tôi cảm ơn nguồn vốn đối chính sách đã tạo điều kiện giúp tôi cũng như các học sinh, sinh viên có thêm chi phí học tập, vươn lên trong cuộc sống", chị Thị Brơu chia sẻ.

Trưởng thôn Sơn Trung (xã Đức Hạnh) Điểu Khóe cho biết, trong những năm qua, trên địa bàn thôn, nhiều gia đình có con em đi học đã vay vốn từ nguồn vốn chương trình học sinh, sinh viên đã mang lại hiệu quả. Nguồn vốn vay giúp các hộ khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện lo con cái học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, một số sinh viên ra trường đã có việc làm phụ giúp gia đình và bản thân.

"Tôi thấy nguồn vốn nay rất có ý nghĩa và cần được duy trì hỗ trợ thêm để gia đình khó hoàn cảnh khó khăn có con em đi học, tiếp tục thắp sáng ước mơ có nghề giúp ích cho gia đình và xã hội", Trưởng thôn Điểu Khóe cho hay.

Đồng hành gỡ nút thắt cho hộ khó khăn

Thời gian qua, trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập, nhiều học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định nhờ nguồn vốn đối với học sinh, sinh viên.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Hạnh Nuyễn Đình Nam, nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã trong thời gian qua giúp nhiều hộ gia đình, đặc biệt hộ đồng bào dân tộc thiểu số xoay sở được tiền học phí cho các em khi đi học. Nguồn vốn đã tạo cho các em yên tâm học tập khi đến kỳ đóng tiền học phí. Số tiền vay dựa trên nhu cầu của học sinh trên cơ sở thông báo học phí của nhà trường mà Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành làm hồ sơ và giải ngân nguồn vốn theo học kỳ cho các em học sinh theo học.

“Thời gian qua, nguồn vốn được vay đối với học sinh, sinh viên được giải ngân đã và đang mang lại kinh phí cho nhiều học sinh khó khăn có điều kiện học tập, ra trường có việc làm ổn định. Hàng năm vào tháng 8, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có thông báo cho các thôn trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn biết để liên hệ với thôn và hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn học sinh sinh viên”, ông Nguyễn Đình Nam cho biết thêm.

Trong năm học mới 2023-2024 vừa qua, với quyết tâm không để sinh viên nào phải dừng lại việc học vì không tiếp cận được nguồn vốn cho vay học sinh sinh viên, không có tiền đóng học phí và chi phí học tập, chương trình cho vay vốn học sinh, sinh viên được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập triển khai có hiệu quả, tạo nguồn lực kịp thời để hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập Vũ Thị Minh, từ khi triển khai nguồn vốn học sinh sinh viên, đến nay trên địa bàn huyện, nguồn vốn cho vay mang lại hiệu quả tốt. Đặc biệt, huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số rất cao chiếm trên 36%, do đó nguồn vốn sinh viên không những giải quyết cho những hộ khó khăn mà cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được nguồn vốn cho con em tiếp bước đến trường.

“Với những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiếu số có từ 5 đến 7 người con để nuôi được cho tất cả ăn học và học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thì rất là khó khăn. Do đó, nguồn vốn học sinh, sinh viên thời gian qua đã giúp cho nhiều hộ tháo gỡ được khó khăn để trang trải cho con có thể ăn học và thực hiện được những ước mơ hoài bão. Nguồn vốn đã giải quyết được phần nào khó khăn của nhiều hộ gia đình”, bà Vũ Thị Minh cho biết thêm.

Theo bà Vũ Thị Minh, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn với phương thức hoạt động đó là ủy thác đến hội đoàn thể cấp cơ sở cũng như ủy nhiệm đến hệ thống tổ trưởng đến tận các thôn, ấp, bản làng. Nguồn vốn được người dân tiếp cận từ dưới cơ sở lên. Khi có nhu cầu vay vốn, hộ vay sẽ tiếp cận với tổ trưởng ở thôn, ấp, bản. Sau đó, thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn sẽ cho vay và hồ sơ thủ tục cho vay được giải quyết nhanh chóng gọn nhẹ.

Trong 5 năm qua trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập, số lượt hộ vay nguồn vốn học sinh, sinh viên hơn 900 lượt. Nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt hộ dân tộc thiểu số nhờ nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội đã phần nào giúp con em vượt khó trong học tập, nhiều sinh viên ra trường đã có việc làm ổn định phụ giúp gia đình, bản thân và xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục