Vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tăng cao

15:01' - 03/04/2019
BNEWS Niềm tin vào tương lai kinh doanh cũng đang trên đà gia tăng khi có 54,6% doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi cho biết kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý II.

CPTPP sẽ mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam,. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Tổng cục Thống kê   vừa cho biết, trong tháng 3/2019, cả nước có 12.472 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 128 nghìn tỷ đồng, tăng 111% về số doanh nghiệp và tăng 33% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,3 tỷ đồng.

Tính chung quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%.

Nếu tính cả 722 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm 2019 là 1.098 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sự gia tăng khá ấn tượng trong đăng ký kinh doanh nói trên thể hiện kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hun đúc làn sóng khởi nghiệp của Chính phủ, các bộ, địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ra đời, hoạt động.

“Đặc biệt, niềm tin vào tương lai kinh doanh cũng đang trên đà gia tăng khi có 54,6% doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi cho biết kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý II”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong quý I, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2019 lên hơn 43 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2019 là 317 nghìn người, tăng 40 % so với cùng kỳ năm trước.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong quý I/2019 hầu hết các lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 37% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15%; doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13%), tăng 5,6%; 3,6 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12%), tăng 10%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước là doanh nghiệp ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,7%; doanh nghiệp ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 14,2%; doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 8,6%...

Trong quý I năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 14,6%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 8,7%; Tây Nguyên tăng 15%; Đông Nam Bộ tăng 3,2%; Đồng bằng sông Cửu tăng 3%. Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I năm nay còn có 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 8.404 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động, chiếm 54,8% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 3.378 doanh nghiệp, chiếm 22% và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,8% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 23%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa, vào cuộc để tăng tốc cải cách, phục vụ doanh nghiệp một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa. Từ đó, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, góp phần gia tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục