VRG kiến nghị gia hạn thời gian cổ phần hóa Tập đoàn

15:33' - 11/01/2017
BNEWS Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa kiến nghị xem xét gia hạn thời gian cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tập đoàn thêm 3 tháng, đến hết quý III/2017, thay vì như lộ trình phê duyệt trước đó.
VRG kiến nghị gia hạn thời gian cổ phần hóa Tập đoàn tới cuối quý III/2017. Ảnh: baodautu

Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa kiến nghị Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét gia hạn thời gian cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tập đoàn thêm 3 tháng, kéo dài đến hết quý III/2017, thay vì như lộ trình phê duyệt trước đó.

Ông Trần Thoại, Phó Tổng Giám đốc VRG cho biết, theo lộ trình đã phê duyệt, thời gian cổ phần hóa Công ty Mẹ - Tập đoàn là 18 tháng, cuối tháng 6/2017 phải hoàn thành. Đến nay những nội dung chính của phương án cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, các bước hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt, thực hiện... quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần khá phức tạp, có thể phát sinh những vấn đề mà Tập đoàn chưa lường trước được. Việc kiến nghị gia hạn thời gian cổ phần hóa để tránh phải xác định lại giá trị doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện kịp trong 18 tháng.

Để “chạy đua” thời gian cổ phần hóa, VRG cũng kiến nghị, sau khi hoàn thành cổ phần hóa, Tập đoàn mới thực hiện thoái vốn ở các công ty con thuận lợi và hiệu quả cao hơn; cho phép các công ty tại Campuchia tiếp cận với đơn vị tư vấn quốc tế để tìm đối tác và tư vấn phương án thoái vốn phù hợp, có lộ trình sắp xếp theo tình hình thực tế.

Ông Trần Thoại lý giải, theo Luật Doanh nghiệp 2014, Tập đoàn không được duy trì việc Công ty Mẹ và công ty con cùng góp vốn và phải sắp xếp xong trước ngày 1/7/2017. Trong khi đó, đối với các công ty cao su con, phần lớn có vốn của Tập đoàn gần 100% nên hình thức chủ yếu sẽ là thực hiện thoái vốn để thu hồi vốn.

Phần lớn các công ty này bắt đầu hoạt động từ năm 2007, đến nay chỉ mới một số công ty bắt đầu có sản phẩm. Tuy nhiên, với cây cao su, trong 3 năm đầu thường lợi nhuận rất thấp, nhất là giá cao su hiện vẫn ở mức thấp. Nếu thoái vốn sẽ khó tìm nhà đầu tư và hiệu quả không cao.

Việc thoái vốn ở nước ngoài, đặc biệt ở Campuchia khá nhạy cảm, vì Tập đoàn không chắc chắn được đối tượng mua cũng như phía Campuchia dư luận có thể đánh giá không đúng mục tiêu đầu tư của Tập đoàn tiến hành đồng thời.

Trước những kiến nghị của VRG, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, VRG phải thực hiện quyết liệt chủ trương cổ phần hóa theo đúng lộ trình trước đó. Đồng thời, phải quyết tâm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2017.

Liên quan đến kiến nghị sau khi hoàn thành cổ phần hóa Tập đoàn mới thực hiện thoái vốn ở các công ty con, ông Hà Công Tuấn cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ xem xét vấn đề này nhằm đảm bảo việc thoái vốn có hiệu quả.

Hiện phần lớn các công ty cao su thuộc VRG đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược phải kèm theo vấn đề đảm bảo đời sống cho người dân lao động địa phương và quản lý đất đai hiệu quả. Đây cũng là vấn đề được Ban chỉ đạo cân nhắc, xem xét và sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Trước đó, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VRG sẽ tiến hành cổ phần hoá đồng thời Công ty Mẹ - Tập đoàn cùng 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị sự nghiệp. Trong năm 2016, VRG đã triển khai cổ phần hóa thành công 2 đơn vị: Công ty TNHH MTV cao su Tân Biên và Bà Rịa.

Đến nay, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên là các Công ty TNHH MTV để trình Ban chỉ đạo cổ phần hoá phê duyệt.

VRG cũng phải thoái vốn đã đầu tư tại 24 đơn vị ngoài ngành chính, đến ngày 31/12/2016, toàn Tập đoàn đã thực hiện thoái vốn và thu về trên 2.900 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách là 2.386 tỷ đồng)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục