Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước – cơ hội cho các nhà đầu tư

13:58' - 02/12/2016
BNEWS Điều quan trọng nhất khi cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân.
Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân. Ảnh: VCCI

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế từ nay tới năm 2020 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tạo sự bình đẳng về môi trường kinh doanh với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Mặc dù, đã được triển khai từ lâu, song tiến trình này vẫn còn rất chậm, thiếu thực chất và chưa đạt được những chuyển biến cơ bản theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đây là nhận định chung của nhiều diễn giả tham gia Diễn đàn kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020”, do Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội.

Bàn về mối tương quan giữa khu vực kinh tế tư nhân và khối các doanh nghiệp Nhà nước, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế là việc làm cần thiết; trong đó, đặc biệt là cơ cấu lại khu vực Nhà nước, để mở ra cơ hội và dư địa cho kinh tế tư nhân. Làm sao để giảm tỉ lệ nắm cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước; giảm tỉ lệ doanh nghiệp Nhà nước nắm đa số cổ phần nghĩa là hơn 50% cổ phần trong doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy nhanh và mạnh việc thoái vốn Nhà nước ra khỏi doanh nghiệp Nhà nước... Điều quan trọng nhất là khi cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân.

Đồng thời, đặt doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong một môi trường bình đẳng, một sân chơi bình đẳng hơn với các doanh nghiệp tư nhân. Việc thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia mua cổ phần; có cơ hội để trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng bày tỏ, quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 diễn ra còn chậm, chưa đi vào thực chất. Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty còn mang tính đối phó, chưa có sự cải cách cơ bản. Vấn đề này cần được tập trung cải thiện để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải thực chất hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Phân tích những thách thức trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội bình luận, theo Luật Đầu tư mới, Nhà nước sẽ chỉ độc quyền 4 ngành nghề kinh doanh, còn lại là những lĩnh vực khác, mọi thành phần kinh tế hoàn toàn được phép kinh doanh.

Quan trọng nhất là theo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ không khống chế tỉ lệ vốn của các nhà đầu tư tham gia trong doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu (trừ khi đó là các doanh nghiệp tổ chức tín dụng).

Thậm chí, còn đang có xu thế, bán cả một doanh nghiệp lớn của Nhà nước để cho các thành phần kinh tế khác được tham gia cơ cấu lại, mà Vinamilk là một điển hình. Đây thực sự là một đổi mới.

Trong giai đoạn 2016-2020, thách thức lớn nhất đối với việc thực thi đề án tái cơ cấu chính là phải đạt được sự thực chất. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt, sẽ dẫn tới mô hình quản trị của doanh nghiệp cũng không đạt được như mong muốn. Nêu vốn và mô hình đã không đạt được, lợi nhuận chắc chắn sẽ không đạt được.

Ông Kiên cũng phân tích: “Thách thức lớn nhất là trong bản thân chúng ta, chứ không phải vấn đề cơ chế. Bởi, cơ chế luôn đi sau thực tế, luật không thể vừa làm ra đã phù hợp ngay”.

Thấy rõ được cơ hội cho các nhà đầu tư và khu vực kinh tế tư nhân khi cùng tham gia vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; được mua lại phần vốn Nhà nước hoặc trở thành cổ đông chiến lược trong các doanh nghiệp Nhà nước. Song, nhiều chuyên gia kinh tế có mặt tại diễn đàn cũng bày tỏ sự băn khoăn về chính sách bảo vệ đối với các cổ đông nhỏ.

Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, về mặt pháp luật, chưa có nhiều chính sách để bảo vệ cổ đông nhỏ. Nhất là khi, doanh nghiệp Nhà nước có thêm những cổ đông lớn, những nhân lực mới cùng tham gia nắm giữ cổ phần. Đây sẽ là lực cản đối với nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

Do đó, cần có một cơ chế quản trị chung để doanh nghiệp Nhà nước, cũng như doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ, và cũng để tránh thiệt thòi cho các cổ đông nhỏ.

Ông Lực cũng nêu rõ quan điểm, càng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp Nhà nước bị loại bỏ; đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cập nhật xu thế để tồn tại và phát triển, vì chắc chắn Nhà nước sẽ không tạo ra sân chơi thứ ba.

Do đó, Nhà nước sẽ không thể quyết định hoặc can thiệp vào việc đấu tranh hay hợp tác giữa 2 khu vực kinh tế này. Đây cũng sẽ là thách thức cho cả Nhà nước và doanh nghiệp nếu thiếu sự chủ động về vốn và đường hướng phát triển lâu dài.

Để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả và được đẩy nhanh, cũng như tăng cơ hội tiếp cận của khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, nhiều diễn giả cho rằng, phải xóa bỏ nhiều rào cản pháp lý hiện hữu cho các doanh nghiệp. Bởi đâu đó, vẫn tồn tại sự không bằng giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn và ngược lại.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, trong khi các doanh nghiệp nhỏ còn đang khó khăn về tài chính, thì các doanh nghiệp lớn lại vướng mắc về thủ tục hành chính. Doanh nghiệp càng lớn thì thủ tục hành chính phải tuân thủ càng nhiều.

Phản ảnh từ thực tế của doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Traphaco, cũng bày tỏ niềm phấn khởi với chủ trương và chính sách cổ phần hóa của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều điểm phiền hà, gây khó khăn đối với doanh nghiệp.

Tiến trình cải cách thủ tục hành chính tuy được đẩy mạnh, song chỉ chú trọng về số lượng chứ chưa đặt nặng vấn đề chất lượng.

Doanh nghiệp muốn đẩy nhanh năng suất lao động, nhưng thủ tục xin phép đăng ký hay phê duyệt rất chậm, vô hình chung ảnh hưởng tới năng suất lao động của doanh nghiệp. Phải làm sao để các chính sách của Nhà nước đi vào thực chất hơn, tháo gỡ đúng và trúng những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục