Vụ bê bối Facebook: Bài học sâu sắc (Phần 1)

05:30' - 22/04/2018
BNEWS Thời sự thế giới đang quan tâm đến vụ Facebook đối mặt với cuộc khủng hoảng rò rỉ thông tin cá nhân và nguy cơ các thông tin này được sử dụng bất hợp pháp để can thiệp vào các cuộc bầu cử chính trị.
Bài học sâu sắc từ vụ bê bối Facebook. Ảnh minh họa: TTXVN

Thừa nhận sai lầm, xin lỗi người sử dụng và khẳng định sẽ không từ chức là những gì người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã tuyên bố trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ liên quan bê bối lộ dữ liệu 87 triệu tài khoản cá nhân.
Tại đây, ông Zuckerburg bị chất vấn rằng Facebook có được văn phòng của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đang điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã liên lạc hay chưa. Ông trả lời “Có” và cho biết Facebook “đang làm việc với họ”, song ông không cung cấp thêm chi tiết nào khác, viện dẫn lý do cẩn trọng tránh vi phạm quy định về giữ bí mật.
Đầu năm nay, Công tố viên Đặc biệt Mueller đã buộc tội 13 cá nhân người Nga và 3 công ty Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thông qua nỗ lực tuyên truyền trên mạng xã hội bao gồm mua các quảng cáo trực tuyến bằng cách mạo danh người Mỹ và hoạt động chính trị trên đất Mỹ. Một số quảng cáo của Nga đã đăng trên Facebook.
Ông Zuckerberg nhắc lại rằng, sau vụ công ty tư vấn chính trị của Anh là Cambridge Analytica, công ty được thuê trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump, sử dụng dữ liệu của hàng chục triệu người dùng, Facebook đã đóng kênh cung cấp thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm thông tin của chính ông, rơi vào tay bên thứ ba.
Tại phiên điều trần kéo dài gần 5 tiếng trước 44 nghị sĩ Mỹ, CEO Mark Zuckerberg thừa nhận: "Rõ ràng chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Đó là tin giả, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù địch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng. Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra tại đây”.
CEO 33 tuổi của trang mạng lớn nhất hành tinh đã trả lời chi tiết về hoạt động thu thập thông tin của Facebook, cũng như việc công ty bị cáo buộc độc quyền và quan điểm của bản thân về quản lý các doanh nghiệp Internet.

Theo nhà sáng lập, Facebook chia nội dung làm hai loại: một là do người dùng tự ý đăng tải, chia sẻ và phần còn lại do mạng xã hội này hoàn toàn kiểm soát - liên quan tới ứng dụng và quảng cáo. Ông Zuckerberg cũng phủ nhận việc Facebook độc quyền và khẳng định họ là một hãng công nghệ, chứ không phải truyền thông.
Ông cũng bảo vệ mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty là sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo đúng mục tiêu: “Chúng tôi cho rằng đưa ra một dịch vụ được quảng cáo hỗ trợ là phù hợp nhất với sứ mệnh kết nối mọi người trên thế giới. Chúng tôi muốn có một dịch vụ miễn phí mà ai cũng có thể dùng được”.
Nhìn chung, ông Zuckerberg được đánh giá là khá bình tĩnh và tự tin trong buổi điều trần, chỉ trừ vài giây lúng túng khi phải trả lời câu hỏi liên quan tới việc chia sẻ thông tin cho Giáo sư Aleksandr Kogan thuộc trường Đại học Cambridge - người đã lấy được số dữ liệu khổng lồ về người dùng Facebook thông qua một ứng dụng khảo sát và sau đó "chia sẻ lại" cho công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Ông Mark Zuckerberg khẳng định Facebook "không bán thông tin của người dùng", tuy nhiên ông cũng cho biết việc chia sẻ thông tin là "có xảy ra" và điều này đã được thông báo với người đăng ký tài khoản ngay trong "điều khoản dịch vụ của Facebook".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục