“Vụ cháy rừng dưới nước” tại Great Barrier

09:07' - 16/03/2024
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học James Cook (Australia) đã phát hiện hiện tượng tẩy trắng san hô quanh 6 hòn đảo nằm ở phía Bắc rạn san hô Great Barrier.

Phát hiện trên được công bố ngày 15/3 sau khi Cơ quan Công viên Hàng hải rạn san hô Great Barrier của Australia hồi tuần trước cảnh báo một đợt tẩy trắng quy mô lớn đang diễn ra trên khắp hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới này.

 

Sau khi tiến hành một đợt khảo sát tại các địa điểm thuộc Công viên Quốc gia Turtle Group, cách bờ biển bang Queensland của Australia khoảng 10 km, các nhà khoa học cho biết chỉ tìm thấy một số ít khu vực san hô còn phát triển tương đối khỏe mạnh, chủ yếu ở vùng nước sâu.

Trưởng nhóm nghiên cứu - bà Maya Srinivasan chia sẻ: “Mức độ tẩy trắng đang diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt là ở những vùng nước nông”. Tuy nhiên, bà cho rằng giai đoạn tẩy trắng vẫn đang diễn ra và số san hô này vẫn có thể phục hồi được, điều quan trọng là nhiệt độ nước phải giảm dần theo thời gian.

Theo các chuyên gia, nước biển ấm lên đã kích hoạt hiện tượng tẩy trắng, khiến san hô đẩy các loại tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng ra ngoài và chuyển sang màu trắng. San hô bị tẩy trắng có thể phục hồi nếu nước mát, nhưng nếu nhiệt độ đại dương duy trì ở mức cao trong thời gian dài thì san hô sẽ chết.

Trải dài khoảng 2.300 km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia, Rạn san hô Great Barrier đã chứng kiến 5 đợt tẩy trắng hàng loạt trong 8 năm. Các chuyên gia cho rằng điều này có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Chuyên gia Srinivasan cho biết 6 hòn đảo thuộc Công viên Quốc gia Turtle Group được bổ sung vào chương trình giám sát san hô của trường Đại học James Cook và dữ liệu được thu thập từ các đảo này sẽ giúp phân tích sâu hơn về mức độ ảnh hưởng của san hô do các đợt tẩy trắng, lốc xoáy và lũ lụt. Bà nhấn mạnh việc tiếp tục các chương trình giám sát dài hạn này trong tương lai càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với biến đổi khí hậu, với dự báo về các hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra thường xuyên hơn với cường độ cao hơn.

Theo Hội đồng Khí hậu Australia, những thay đổi đột ngột trên báo hiệu mối nguy hiểm lớn hơn đối với rạn san hô và nguy cơ đến ngưỡng khó có thể khôi phục trở lại trong hệ thống khí hậu Trái Đất (bao gồm 5 thành phần chính: khí quyển, thủy quyển, băng quyển, thạch quyển và sinh quyển). Giám đốc Nghiên cứu của Hội đồng Khí hậu Australia, ông Simon Bradshaw nhận định những gì đang xảy ra tại rạn san hô Great Barrier hiện nay có thể được mô tả như một “vụ cháy rừng dưới nước”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục