Vũ khí hữu hiệu chống COVID-19 tại Mỹ

17:10' - 22/05/2021
BNEWS Điều gì đã giúp Mỹ thoát bảng xếp hạng những nước có số ca mắc mới trong ngày cao nhất sau cả năm 2020 liên tục "ghi tên"?

Vài tháng nay, các bản tin nóng về dịch COVID-19 toàn cầu không còn "điểm danh" Mỹ trong mục thống kê những nước có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, đồng nghĩa với tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm mạnh.

Điều gì đã giúp Mỹ thoát bảng xếp hạng bất đắc dĩ này sau cả năm 2020 liên tục "ghi tên".

Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne khẳng định số ca mắc COVID-19 ở Mỹ có xu hướng giảm trong những tháng vừa qua nhờ chương trình tiêm chủng đại trà.

Thế giới vẫn chưa thể quên hình ảnh nước Mỹ năng động bậc nhất thế giới bị các làn sóng dịch COVID-19 "quật đi quật lại" trong suốt năm 2020, các bang liên tục nới lỏng rồi lại siết chặt những biện pháp hạn chế để ứng phó dịch bệnh.

Thời điểm dịch bắt đầu bùng phát ở Mỹ đầu năm ngoái, chính quyền Washington, với quan niệm "COVID-19 là một loại cúm không thực sự đáng lo ngại", đã không áp đặt các biện pháp phòng dịch gắt gao.

Kết quả là số ca mắc mới mỗi ngày tăng chóng mặt, đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất là hơn 30.000 ca/ngày vào đầu tháng 4 và Mỹ trở thành tâm dịch của thế giới.

Washington buộc phải thừa nhận cần có biện pháp mạnh tay để kiềm chân virus SARS- CoV-2 và đến tháng 6/2020, số ca mắc mới tại Mỹ cũng giảm dần xuống mức khoảng hơn 17.000 ca/ngày.

Mùa Hè đến, cùng với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và niềm mong mỏi của người dân được trở lại cuộc sống bình thường, làn sóng thứ hai tấn công nước Mỹ, lúc cao điểm có tới hơn 65.000 ca/ngày.

Chính quyền các bang nhận thấy cần chủ động áp dụng những biện pháp hạn chế thay vì chờ đợi một biện pháp thống nhất từ chính phủ liên bang, nhờ đó dịch bệnh tại Mỹ giảm dần, xuống mức khoảng 30.000 ca/ngày vào giữa tháng 9/2020.

Tuy nhiên, làn sóng thứ ba ập đến mới thực sự là cú sốc lớn bởi sự xuất hiện các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn, người dân mệt mỏi và không còn muốn tiếp tục các biện pháp hạn chế.

Từ tháng 11/2020, nước Mỹ liên tục có những ngày ghi nhận tới hàng trăm nghìn ca mắc mới, đỉnh điểm là hơn 310.000 ca/ngày, và gần 4.500 ca tử vong trong 24 giờ.

Tin nóng dịch bệnh thế giới liên tục nhắc tên Mỹ, các tờ báo in đầy hình ảnh bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt sức, biểu tình vì thiếu thốn trang thiết bị.

Một tờ báo hàng đầu nước Mỹ đăng tên các nạn nhân COVID-19 với cỡ chữ nhỏ nhất vẫn lấp đầy trang nhất.

Giữa cơn hỗn loạn vì dịch bệnh, một số hãng dược trên thế giới, đi đầu là Pfizer của Mỹ, công bố kết quả thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 cho hiệu quả hơn 90%.

Thông tin đưa ra vào cuối tháng 11 được ví như "ánh sáng phía cuối đường hầm" cho cuộc chiến chống dịch tưởng chừng đang rơi vào khoảng tối vô định ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Với lợi thế của một nước lớn và cũng là nơi đặt trụ sở của những công ty đầu tiên tìm ra vaccine COVID-19 như Pfizer và Moderna, Mỹ nhanh chóng mua được những liều vaccine đầu tiên và triển khai tiêm chủng đại trà từ ngày 4/1/2021.

Thời điểm đó, ông Andrew M. Cuomo, Thống đốc bang New York đã khẳng định rằng "đây chính là vũ khí giúp kết thúc cuộc chiến" với dịch bệnh COVID-19.

Diễn biến dịch bệnh sau 4 tháng Mỹ triển khai tiêm chủng thần tốc dường như là bằng chứng củng cố cho niềm tin này.

 Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 19/5, Mỹ đã tiêm được hơn 277 triệu liều vaccine COVID-19, chiếm hơn 18% trong tổng số hơn 1,5 tỷ liều đã được tiêm trên toàn thế giới.

Gần 50% dân số Mỹ đã được tiêm mũi đầu tiên và gần 40% đã được tiêm đủ số mũi cần thiết. Xét theo độ tuổi, hơn 60% số người trên 18 tuổi tại Mỹ đã được tiêm mũi đầu tiên và gần 50% trong nhóm này được tiêm đủ.

Ở nhóm trên 65 tuổi, nhóm có nguy cơ cao bệnh nặng hoặc tử vong, có tới gần 85% đã được tiêm ít nhất 1 mũi và hơn 70% đã được tiêm đủ số mũi cần thiết. Từ giữa tháng 5, Mỹ đã mở rộng đối tượng tiêm chủng tới nhóm trẻ vị thành niên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này sẽ đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi cho 70% dân số trước ngày 4/7.

Trong khi đó, giới chuyên gia dự đoán với tốc độ như hiện nay, Mỹ sẽ hoàn thành mục tiêu này vào cuối tháng 5 và đến tháng 9, khoảng 185 triệu người hay 88% số người trưởng thành tại Mỹ sẽ được tiêm phòng.

 Khi đồ thị tỷ lệ bao phủ tiêm chủng dịch chuyển theo hướng đi lên thì đồ thị dịch bệnh tại Mỹ dịch chuyển theo hướng ngược lại.

Từ khoảng giữa tháng 1/2021, tình hình dịch bệnh tại Mỹ dần thuyên giảm, từ mức hơn 200.000 ca mắc mới/ngày, đến ngày 18/5 chỉ còn hơn 20.000 ca/ngày, tương đương mức thấp điểm sau làn sóng dịch bệnh thứ nhất.

Trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày gần nhất giảm 23,6% so với số liệu của giai đoạn 7 ngày trước đó.

So với thời kỳ đỉnh dịch của làn sóng thứ ba vào đầu năm nay thì số liệu này cải thiện tới 85,5%.

Xét về số ca tử vong, nước Mỹ cũng như hồi sinh từng ngày, từ mốc hơn 4.000 ca/ngày vào khoảng cuối tháng 1/2021 đến ngày 18/5 là hơn 500 ca/ngày.

Trung bình số ca tử vong trong 7 ngày tính đến ngày 18/5 cải thiện tới hơn 80% so với thời kỳ đỉnh điểm vào cuối tháng 1.

  Những chuyển động trái chiều giữa biểu đồ dịch bệnh và biểu đồ tiêm phòng không phải là ngẫu nhiên bởi CDC cũng đã công bố kết khảo sát thực tế quy mô lớn nhất từ trước tới nay để chứng minh rằng các loại vaccine thực sự là thứ vũ khí lợi hại trong cuộc chiến dịch bệnh tại Mỹ.

Kết quả khảo sát thực tế với khoảng 500.000 nhân viên y tế được tiêm phòng tại 33 địa điểm khác nhau ở 25 bang của Mỹ chỉ ra việc tiêm đủ 2 mũi vaccine mRNA (như của Pfizer-BioNTech và Moderna) cho hiệu quả giảm 94% nguy cơ mắc bệnh.

Các nghiên cứu thực tế khác từng thực hiện tại nhiều quốc gia như Israel, Anh, Hàn Quốc... đều củng cố cho niềm tin rằng vaccine phòng COVID-19 phát huy hiệu quả cao trong bảo vệ những người được tiêm, có thể là giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc chí ít là giảm nguy cơ bệnh nặng, vốn có thể dẫn tới tình trạng quá tải các bệnh viện.

 Nhờ hiệu quả của việc tiêm phòng, từ ngày 19/5, New York và 2 bang láng giềng là New Jersey và Connecticut, vốn từng là tâm dịch của nước Mỹ, chính thức mở lại hoạt động hoàn toàn.

Phát biểu nhân sự kiện này, Thống đốc New York  khẳng định đây là dấu mốc quan trọng đối với bang New York, là thời điểm chuyển đổi trọng đại với một nơi từng là tâm dịch của thế giới, như một lời tuyên bố về chiến thắng mà ông đã đề cập trong ngày mũi vaccine đầu tiên ở Mỹ được tiêm. 

Chính thành tựu tiêm chủng đã giúp nước Mỹ "có một vị thế rất khác" trong cục diện chống dịch toàn cầu, như lời khẳng định của Tổng thống Biden hồi đầu tháng này.

Còn Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ Carissa Etienne thì nhấn mạnh rằng những tiến bộ được ghi nhận tại Mỹ là minh chứng về tính hiệu quả và an toàn của vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến trình tiếp cận vaccine tại tất cả các nước trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục