Vướng mắc pháp lý vẫn là lực cản trong phát triển bất động sản

14:13' - 15/03/2022
BNEWS Năm 2022 sẽ có nhiều quy hoạch được công bố, đem lại cơ hội cho thị trường bất động sản nhưng vấn đề luật pháp sẽ quyết định đến sự lành mạnh và tính chuyên nghiệp của thị trường.

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ II với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp để cùng đưa ra những dự báo về xu hướng, triển vọng và cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đánh giá về tổng quan, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng thị trường bất động sản vẫn có những thuận lợi nhất định. Điển hình là tốc độ đô thị hóa đang ngày càng tăng lên, nếu năm 2020 là 40% thì dự kiến đến năm 2025 tăng lên 45% và đạt 50% năm 2030; đầu tư công vào hạ tầng giao thông cũng tăng tốc trong giai đoạn 2021-2025...

Điển hình như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư là 147.000 tỷ đồng (120.000 tỷ đồng cân đối từ kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025, còn lại từ Chương trình phục hồi) đang được đẩy mạnh triển khai; đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình phục hồi 2022 - 2023 (113.550 tỷ đồng); các chương trình đầu tư công khác (sân bay, cầu cảng, nông thôn mới...).

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thị trường bất động sản cũng vẫn còn nhiều thách thức khi nguồn cung chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh trong 2 tháng đầu năm; Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Thậm chí, các cuộc đấu giá đất gần đây đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh khiến giá bất động sản vẫn tăng...

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hà Tuấn Khang - Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Marketing Tập đoàn Meey Land phản ánh, thị trường bất động sản vẫn còn một số vướng mắc mà nổi bật là về pháp lý. Hiện nay, thủ tục tiếp cận đất đai dù đã được tiết giảm nhưng vẫn rất phức tạp. Vì vậy, còn rất nhiều dư địa để cải thiện.

Thực tế, từ tháng 5/2020, khi có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025 nhưng trong những năm qua vẫn cải thiện được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí; cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn còn chậm. Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đang có những chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản - ông Khang dẫn chứng.

Liên quan đến nội dung này, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường vẫn hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn.

Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt. Vì vậy, những vướng mắc về thủ tục pháp lý cần được tháo gỡ để giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng phát triển hơn trong năm 2022.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, khủng hoảng từ dịch COVID-19 mang lại bất lợi cho thị trường nhưng cũng chứng minh bất động sản càng phải phát triển lành mạnh và bền vững. Các dự án quy mô lớn, của các doanh nghiệp có uy tín càng có nhiều cơ hội. Mặc dù vậy, không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội, điều đó chỉ phụ thuộc vào những doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Quy luật của thị trường bất động sản sau khi xuống thì sẽ lên. Những giai đoạn vừa qua đã chứng minh, cứ 4 - 5 năm là một chu kỳ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Do đó, về triển vọng của thị trường bất động sản cần xét về dài hạn trong vòng 3 - 5 năm tới và kỳ vọng sẽ tương đối ổn định, phát triển.

Đáng chú ý, năm 2022 sẽ có nhiều quy hoạch được công bố, đem lại cơ hội cho thị trường bất động sản nhưng vấn đề luật pháp sẽ quyết định đến sự lành mạnh và tính chuyên nghiệp của thị trường.

Trước cả cơ hội và thách thức, ông Cấn Văn Lực đề xuất 4 giải pháp đối với doanh nghiệp. Trước hết là tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữa lao động, tăng năng suất, sử dụng mô hình 5Rs (Respond: thích ứng, linh hoạt; Recover: phục hồi càng nhanh càng tốt; restructure: tái cấu trúc; Re-invent: đổi mới, sáng tạo (gồm cả chuyển đổi số); Resilience: tăng sức đề kháng (khả năng chống chịu các cú sốc, gồm cả quản lý rủi ro).

Theo ông Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi; phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới liên quan đến thay đổi hành vi của khách hàng; thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… là tất yếu.

Ông Hà Tuấn Khang cho rằng, công nghệ mới sẽ giúp thị trường bất động sản giải quyết được những rào cản thách thức. Với 100 nền tảng proptech (ứng dụng công nghệ thông tin) đang hiện hữu tại Việt Nam là minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bất động sản.

Thị trường proptech Việt Nam thể hiện sức hấp dẫn lớn khi chứng kiến hàng loạt thương vụ đầu tư, góp vốn, sáp nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình ở Việt Nam, các proptech khai thác thị trường bất động sản trong năm 2021 đã gọi được hơn 40 triệu USD, con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây, thông qua 3 thương vụ đầu tư vào Homebase, Rever và Citics - ông Khang dẫn chứng.

Bởi vậy, cuộc đua giữa các đơn vị proptech là sẽ được tính bằng tháng, trở thành xu hướng pháp triển. Trước áp lực từ các proptech, nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn khá kín tiếng trong đầu tư công nghệ nay cũng đồng loạt công bố những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), các công ty con tham gia thị trường proptech ở Việt Nam.

Để tương tác từ xa với khách hàng, các công nghệ như AR, VR, Smartart giúp hoạt động tìm kiếm diễn ra tự chủ. Khi khách có nhu cầu tư vấn thì có ứng dụng Chatbox, khi giao dịch có Online Passport và khi chăm sóc khách hàng thông qua hệ thống CRM để lưu trữ.

Muốn tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng cần đưa ra những giải pháp kích cầu bất động sản đột phá trong bối cảnh nguồn thu của khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các giải pháp sẽ giúp người mua nhà và doanh nghiệp phát triển bất động sản gặp nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục