Vương quốc Anh: Brexit “cứng” hay COVID-19 đáng lo ngại hơn?

05:30' - 09/06/2020
BNEWS Theo tờ Financial Times của Anh, với việc các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh bế tắc, London lại một lần nữa phải đối mặt với viễn cảnh Brexit không thỏa thuận vào cuối năm nay.

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại London, Anh ngày 28/3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế “xứ sở sương mù” chao đảo vì dịch COVID-19, một số nhà kinh tế và hoạch định chính sách đang tự hỏi liệu rằng những tác động của việc Anh không đạt được thuận thương mại với EU có bị che khuất bởi đại dịch SARS-CoV-2 hay không?

Liên quan đến vấn đề này, học giả Julian Jessop thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề kinh tế nhận định: “Bất kỳ thiệt hại nào từ sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta (nước Anh) với EU có thể là không đáng kể so với những thay đổi trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do virus SARS-CoV-2 gây ra”.

Đã có những cảnh báo về việc sẽ không có thỏa thuận nào tương tự như những thỏa thuận đã được nêu ra hồi năm 2019. Hãng xe hơi Nissan từng nhận định rằng nếu quan hệ thương mại của Anh với EU bị áp thuế, tương lai của nhà máy ôtô Nissan tại Sunderland sẽ không được đảm bảo.

Trong khi đó, Carolyn Fairbairn, người đứng đầu tổ chức các chủ sử dụng lao động, cho biết sau khi vật lộn để vượt qua COVID-19, các công ty “gần như không có” khả năng phục hồi để tiếp tục đối phó với những hỗn loạn trong quan hệ thương mại với EU.

Trong trường hợp xấu nhất, phân tích của Chính phủ Anh năm 2018 dự báo Brexit không thỏa thuận có thể làm sản lượng kinh tế Anh giảm 8% trong vòng 15 năm so với việc ở lại EU. Tuy nhiên, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) Anh dự báo rằng chỉ tính riêng trong năm nay, virus SARS-CoV-2 sẽ làm GDP của nước này giảm 13,8%.

Những người muốn Anh có lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Brussels cho rằng cuộc khủng hoảng Brexit có thể làm giảm bớt những thiệt hại từ việc nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU.

COVID-19 không chỉ làm dòng thương mại giữa Anh và EU giảm, qua đó giảm áp lực đối với các cảng Dover và Calais trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao cũng có nghĩa là có nhiều người muốn tham gia vào đội quân 50.000 nhân viên hải quan, từ đó giúp cho các quy định biên giới mới hoạt động trơn tru.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Anh Michael Gove đã công khai nói rằng việc “đưa về nước” các hoạt động kinh doanh nội địa - điều có thể là cần thiết để xây dựng khả năng chống lại các đại dịch trong tương lai - chỉ là một sự điều chỉnh để đối phó với các rào cản lớn hơn trong giao dịch với EU.

Phát biểu với các nghị sĩ hồi tháng trước, ông nói: “Không thể nói chính xác, nhưng tình trạng của nền kinh tế Anh, giống như tình trạng của nền kinh tế các quốc gia thành viên EU, sẽ thay đổi”.

Với việc nhiều nhà kinh tế dự đoán tình trạng giãn cách xã hội sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế, cú đánh thêm của các rào cản thương mại cao hơn và sự đình trệ tiềm tàng tại các cảng do Brexit không thỏa thuận gây ra sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế mà Bộ Tài chính Anh phải đối mặt.

Kallum Pickering, nhà kinh tế học người Anh tại Ngân hàng Berenberg, nói rằng mặc dù COVID-19 có thể che lấp tác động của kịch bản Brexit không thỏa thuận, nhưng đại dịch này không làm mất đi những tác động đó. Theo ông, trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế thậm chí có thể bị đẩy rơi trở lại suy thoái vào đầu năm 2021.

Ông Kallum Pickering nói: “Một sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán, theo sau là sự ra đi khó khăn và không kiểm soát, sẽ làm tổn thương sự tự tin, chi tiêu và đầu tư. Vương quốc Anh có thể sẽ gánh chịu sự phục hồi tương đối chậm so với các nền kinh tế châu Âu lớn khác từ cuộc suy thoái do đại dịch”.

Đồng quan điểm này, Alan Winters - người đứng đầu bộ phận Theo dõi chính sách thương mại của Đại học Sussex - cho biết các công ty hiện không có điều kiện để thực hiện những điều chỉnh cần thiết nhằm tái định hướng và “hồi hương” hoạt động sản xuất vì rất nhiều công ty hiện đang ngập trong nợ nần.

Không giống như những người nói rằng đây là thời điểm thích hợp để chấp nhận rủi ro, Alan Winters cảnh báo rằng sự mong manh của bảng cân đối kế toán của các công ty “sẽ làm cho việc điều chỉnh theo Brexit vốn đã không dễ dàng lại càng trở nên khó khăn hơn”.

Trong khi đó, sau khi nghiên cứu về những kết nối của ngành dịch vụ Vương quốc Anh với khách hàng quốc tế, David Owen, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết việc hồi hương trên khắp châu Âu có thể dẫn đến sự tập trung hoạt động bên trong khu vực sử dụng đồng euro.

Theo chuyên gia David Owen, những lo ngại như vậy có thể khiến Chính phủ Anh tìm kiếm một thỏa thuận với EU vào mùa Thu, khi căng thẳng bắt đầu gia tăng, giống như việc hồi năm ngoái khi ông Johnson đồng ý dựng biên giới hải quan giữa đảo Anh và Bắc Ireland để phá vỡ bế tắc trong cuộc đàm phán.

Brexit có lẽ không phải là thách thức kinh tế lớn nhất của Chính phủ Anh vào lúc này và các chuyên gia cho rằng Chính phủ Anh cùng EU sẽ tìm cách giảm thiểu, không phải là loại bỏ, các tổn thất về kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục