WB: Hàng nghìn tỷ USD có thể được sử dụng để chống biến đổi khí hậu

05:30' - 30/06/2023
BNEWS WB kêu gọi các chính phủ nên chuyển hướng những gói trợ cấp cho các lĩnh vực thường gây hại cho môi trường sang chống biến đổi khí hậu.

Theo nhật báo Les Echos (Pháp), Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố một nghiên cứu cho hay chính phủ các nước đang dành hơn 7.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương 8% GDP thế giới, để hỗ trợ cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch, phát triển nông nghiệp và đánh bắt cá, những thứ thường gây hại cho môi trường. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ nên chuyển hướng những gói trợ cấp này cho việc chống biến đổi khí hậu.

Làm thế nào để có được khoản tiền khổng lồ cần thiết cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? WB cho rằng đã có một nguồn tiền sẵn có mà chúng ta có thể tận dụng: Các khoản trợ cấp được chính phủ dành cho năng lượng hóa thạch, nông nghiệp và ngư nghiệp. Đây là những thứ thường xuyên gây hại cho con người và hành tinh, tổ chức tài chính quốc tế này nhấn mạnh trong một nghiên cứu trên phạm vi rộng và có thời gian tiến hành khá dài, mới được công bố.

Ông Axel van Trotsenburg, Giám đốc điều hành cấp cao chịu trách nhiệm về Quan hệ đối tác và Chính sách Phát triển của WB cho biết: "Chúng ta luôn nói rằng không có tiền cho giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng thực tế là có, chỉ có điều nó đang nằm ở sai chỗ". Theo ông, nếu chúng ta có thể chuyển hướng sử dụng hàng nghìn tỷ USD chi cho các khoản trợ cấp lãng phí và đưa chúng vào các mục đích tốt hơn, xanh hơn thì chúng ta có thể giải quyết nhiều thách thức cấp bách nhất của thế giới.

WB cho biết những khoản trợ cấp này hiện chiếm "một phần rất lớn" trong ngân sách công trên toàn thế giới, "Có lẽ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử". Ở nhiều quốc gia, chi tiêu công trực tiếp cho các lĩnh vực này thậm chí còn lớn hơn đầu tư cho y tế hoặc giáo dục.

Theo tính toán của các chuyên gia WB, các khoản trợ cấp "công khai", tức là những khoản mà Nhà nước trực tiếp trả cho nông nghiệp, đánh bắt cá và nhiên liệu hóa thạch, lên tới khoảng 1,250 tỷ USD mỗi năm. Cụ thể, 577 tỷ - tức là "gần gấp ba lần so với trợ cấp cho ngành năng lượng tái tạo" - được sử dụng vào năm 2021 để trợ giá đối với nhiên liệu gây ô nhiễm (dầu, khí đốt hoặc than), hơn 635 tỷ được dành cho nông nghiệp và 35 tỷ cho đánh bắt cá.

WB chỉ ra rằng các khoản trợ cấp này, mặc dù thường có "mục đích tốt", nhưng lại "không được thực thi tốt", dẫn đến làm gia tăng sự bất bình đẳng, giảm năng suất và tàn phá hệ sinh thái.

Trong nông nghiệp, sự hỗ trợ đó - có thể dưới hình thức trợ cấp đầu vào, thanh toán theo mức sản lượng hoặc hỗ trợ giá thị trường - “dẫn đến việc sử dụng quá nhiều phân bón làm thoái hóa đất và nước, gây hại cho sức khỏe con người”. “Họ cũng chịu trách nhiệm một phần trong nạn phá rừng”, Richard Damania, nhà kinh tế trưởng về phát triển bền vững, nhấn mạnh, qua việc thúc đẩy các nhà sản xuất đậu nành, dầu cọ hoặc dầu dừa phát triển đến sát ranh giới của rừng.

Các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp đánh bắt cá cũng thúc đẩy việc khai thác cá quá mức và làm tăng sự cạn kiệt của các nguồn cá, ông nhấn mạnh thêm. Về hỗ trợ của chính phủ đối với nhiên liệu hóa thạch, chúng làm trầm trọng thêm sự nóng lên toàn cầu và gây ô nhiễm không khí. Theo báo cáo, đại đa số (94%) dân số thế giới phải tiếp xúc trực tiếp với nồng độ hạt mịn (PM2.5) vượt ngưỡng an toàn. Việc đốt than, dầu và khí đốt gây ra cái chết sớm của 7 triệu người mỗi năm trên thế giới.

Đối với WB, hậu quả của những khoản chi tiêu công trực tiếp này đã lớn, nhưng các khoản trợ cấp “ngầm” trong các lĩnh vực này (không được trực tiếp thể hiện trong ngân sách) còn lớn hơn nhiều, lên tới ít nhất… 6.000 tỷ USD mỗi năm, góp phần đáng kể vào việc gây ô nhiễm, phát thải khí nhà kính và tàn phá thiên nhiên. Đây thực sự là một gánh nặng chủ yếu đè lên các nước nghèo. Các tác giả của báo cáo không ngần ngại xếp chúng “trong số những vấn đề môi trường phức tạp nhất của thời đại chúng ta”.

Do đó, WB kêu gọi các chính phủ cải cách và chuyển hướng các khoản trợ cấp có hại cho môi trường này. Trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nợ công bùng nổ ở các nền kinh tế đang phát triển, Richard Damania cho rằng các chính phủ phải được khuyến khích chi tiêu tốt hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục