WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh

07:35' - 10/10/2020
BNEWS WB đã công bố báo cáo về tình hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ Latinh, trong đó tiếp tục thay đổi mức dự báo suy giảm của khu vực này trong năm 2020 lên 7,9% so với mức 7,2% trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 9/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo về tình hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ Latinh, trong đó tiếp tục thay đổi mức dự báo suy giảm của khu vực này trong năm 2020 lên 7,9% so với mức 7,2% được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.

Theo báo cáo của WB, Mỹ Latinh hiện đang là khu vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kể cả trong lĩnh vực y tế khi chiếm tới hơn 33% trường hợp tử vong trên toàn cầu vì bệnh dịch này, cũng như trong lĩnh vực kinh tế do sự suy giảm về nhu cầu tiêu thụ bên ngoài, sự sụp đổ của ngành du lịch, cũng như ảnh hưởng từ biện pháp cách ly xã hội bắt buộc kéo dài nhiều tháng mà hầu hết các nước áp dụng.

 Dự báo của tổ chức tài chính quốc tế này cho biết, các nền kinh tế hàng đầu khu vực đều sẽ ghi nhận suy giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế, trong đó Argentina được dự báo sẽ suy giảm mạnh nhất với -12,3%, tiếp đến là Mexico (-10%), Colombia (-7,2%), Chile (-6,3%) và Brazil (-5,4%).

Trong khi đó, các nền kinh tế được dự báo có chỉ số suy giảm mạnh nhất khu vực là các quốc đảo vùng Caribe do hầu hết phụ thuộc vào du lịch, trong đó nghiêm trọng nhất là Santa Lucia với -18%, Belice (-17,3%) và Bahamas (-14,5%).

Nền kinh tế duy nhất ở khu vực được dự báo tích cực là Guyana với mức tăng trưởng lên tới 23,2% do nước này đã phát hiện ra nhiều mỏ dầu lớn.

WB cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái kinh tế ở Mỹ Latinh không chỉ có tác động của đại dịch COVID-19 mà còn do trong những năm vừa qua khu vực này ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá chậm, trong đó năm 2017 là 1%, năm 2018 là 1,4% và năm 2019 là -0,2%.

Cùng với đó, Mỹ Latinh cũng không ghi nhận sự tiến bộ trong các chỉ số xã hội và làn sóng bất ổn liên tục nổ ra ở nhiều nước trong khu vực.

Thiết chế tài chính này cũng dự báo rằng đại dịch sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, đồng thời khuyến cáo các nước nên xem xét cải cách hệ thống y tế để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí mà các chính phủ và lĩnh vực tư nhân phải gánh chịu.

Cùng với đó, các chính phủ phải tìm cách củng cố lại tài khóa sau một giai đoạn chi tiêu nhiều vào các chương trình kích thích kinh tế và hỗ trợ các chương trình xã hội khẩn cấp.

Liên quan tới triển vọng kinh tế năm 2021, WB cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn song có những dấu hiệu cho thấy những tác động tiêu cực sẽ ít nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu và có khả năng tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ hồi phục phần nào với mức tăng trưởng khoảng 4%.

Các lý do được cho là sẽ tác động tới quá trình hồi phục là vì thương mại hàng hóa trên thế giới đang trở lại mức trước khi xảy ra khủng hoảng dịch tễ và giá cả hàng hóa đã được duy trì tương đối tốt.

Ngoài ra, lượng kiều hối nói chung sẽ lớn hơn và số quốc gia không thể tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế sẽ ít hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục