WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm

06:00' - 30/04/2024
BNEWS Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh.

Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.

 

Theo WHO, 154 triệu mạng sống được cứu trong 50 năm tương ứng rằng cứ mỗi phút trong mỗi năm của 1 nửa thế kỷ qua, vaccine lại giúp cứu sống 6 mạng người. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín Lancet, WHO đã cung cấp một phân tích toàn diện về tác động của 14 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI). Tháng 5 tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm chương trình này ra đời.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định vaccine là một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất trong lịch sử, đẩy lùi nhiều căn bệnh từng là nỗi ám ảnh với toàn thế giới. Nhờ có vaccine, bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ, bệnh bại liệt dần biến mất và những vaccine mới được phát triển trong những năm trở lại đây nhằm phòng các bệnh như sốt rét và ung thư cổ tử cung đã giúp thế giới chế ngự thêm nhiều bệnh tật. Trong khi công tác nghiên cứu vẫn tiếp diễn, các khoản đầu tư và các chương trình phối hợp vẫn được thực hiện, WHO tin rằng sẽ có thêm nhiều triệu mạng sống nữa được cứu bây giờ và trong 50 năm tới.

Theo nghiên cứu của WHO, có đến 101 triệu mạng sống được vaccine cứu là trẻ sơ sinh, thông qua các chương trình tiêm chủng trong 50 năm qua. WHO nhấn mạnh tiêm chủng là đóng góp đơn lẻ lớn lao nhất trong số các biện pháp can thiệp y tế để đảm bảo trẻ sơ sinh không chỉ được đón những sinh nhật đầu đời mà còn tiếp tục sống khỏe mạnh đến khi trưởng thành.

Trong 50 năm qua, các loại vaccine phòng 14 loại bệnh tật (gồm bạch hầu, Haemophilus cúm loại B, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, sởi, viêm màng não A, ho gà, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn, bại liệt, rotavirus, rubella, uốn ván, lao và sốt vàng da) đã giúp giảm 40% ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt ở châu Phi, tỷ lệ này là hơn 50%. WHO nhấn mạnh vaccine phòng sởi - một căn bệnh rất dễ lây lan do một loại virus tấn công chủ yếu ở trẻ em - có tác động đáng kể nhất. Loại vaccine này đã đóng góp 60% trong thành tích chung của các chương trình tiêm chủng trong 50 năm qua. Việc triển khai tiêm phòng bại liệt đã giúp hơn 20 triệu người tránh được cảnh tàn tật, có thể bước đi trên đôi chân của mình. Nghiên cứu của WHO cũng chỉ ra khi 1 trẻ em được cứu sống nhờ vaccine thì đứa trẻ đó sẽ sống cuộc đời khỏe mạnh trong trung bình 66 năm tiếp theo.

WHO nhấn mạnh những thành quả trên càng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ những tiến bộ tiêm chủng đã đạt được, cần thúc đẩy các nỗ lực để đảm bảo tiêm bổ sung cho 67 triệu trẻ em còn thiếu ít nhất 1 mũi tiêm phòng trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục