WHO quan ngại hội chứng hậu COVID-19

12:15' - 05/08/2021
BNEWS WHO kêu gọi những người đang chịu đựng hội chứng hậu COVID-19, dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Với hơn 200 triệu người mắc COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang vô cùng lo ngại về tình trạng một số người, chưa được thống kê cụ thể, vẫn đang phải vật lộn với cái gọi là “di chứng kéo dài hậu COVID-19” – còn gọi là “Long COVID-19”.

WHO kêu gọi những người đang chịu đựng hội chứng hậu COVID-19, dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Bởi cho đến nay, “Long COVID-19” vẫn là một trong những “góc khuất” của đại dịch chưa được tìm ra.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO cho rằng: “Hội chứng hậu COVID-19 là điều mà WHO vô cùng lo ngại. WHO công nhận điều này, vì nó thực sự tồn tại”.

Theo bà Kerkhove, trong số những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, có khá nhiều người đang phải chịu những ảnh hưởng lâu dài.

Bà nói: “Chúng tôi không biết những di chứng này sẽ kéo dài bao lâu và chúng tôi thậm chí đang phải nghiên cứu để đưa ra một định nghĩa cụ thể cho những trường hợp này để hiểu rõ hơn và mô tả hội chứng hậu COVID-19 là gì.

Cho đến nay, rất ít người hiểu nguyên nhân tại sao một số bệnh nhân, sau khi trải qua giai đoạn cấp tính, thì vẫn liên tục phải chịu đựng các triệu chứng như thở gấp, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức (tên khoa học là sương mù não), rối loạn cơ tim và thần kinh.

Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, cũng là người đứng đầu nghiên cứu về “Long COVID-19”, bà Janet Diaz cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, trong đó có cả những hiện tượng như đau ngực, ngứa ran và phát ban.

Theo bà Diaz, một số bệnh nhân thậm chí còn có các triệu chứng kéo dài từ giai đoạn cấp tính; một số khác lại bình phục sau đó lại tái phát, với những biểu hiện bệnh xuất hiện và tự biến mất; trong khi một số khác có các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi hồi phục từ giai đoạn cấp tính.

Bà Diaz cho biết một số người có biểu hiện bệnh kéo dài 3 tháng, nhưng cũng có những người lên đến 6 tháng, thậm chí có thể có một tỷ lệ nhỏ kéo dài đến 9 tháng hoặc lâu hơn nữa.

Ngoài việc mở rộng nghiên cứu để tìm hiểu và kiểm soát hội chứng hậu COVID-19, WHO đang phối hợp để đưa ra các chương trình phục hồi chức năng tốt hơn cho những người bị “Long COVID-19”.

WHO đã tổ chức một loạt hội thảo trong năm nay nhằm tăng cường hiểu biết về hội chứng hậu COVID-19. Tại hội thảo này, không chỉ nghe phân tích từ giới khoa học và bác sĩ mà WHO còn trực tiếp nghe từ chính những người mắc bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục