WTO trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu (Phần 1)

06:30' - 09/12/2018
BNEWS Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện đang trục trặc trong bối cảnh xung đột thương mại, chủ nghĩa bảo hộ cũng như các rào cản phi thuế quan ngày càng gia tăng.
 WTO trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi được thành lập vào năm 1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay đã ghi nhận 164 quốc gia thành viên và chiếm khoảng 98% thương mại toàn cầu.

Theo thống kê, giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ tính trên quy mô toàn cầu ước đạt 22.000 tỷ USD trong năm 2017. Như vậy có thể thấy, gần như toàn bộ hoạt động thương mại của thế giới đang nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo mới đây cho biết, WTO đang xử lý số vụ tranh chấp thương mại nhiều nhất trong 16 năm qua mà xu hướng này nổi lên do gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và căng thẳng thương mại toàn cầu.

Theo số liệu của WTO, chỉ trong vòng 6 tháng qua, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu tác động tới số lượng hàng hóa trị giá gần 500 tỷ USD.

WTO nhấn mạnh rằng, từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 10, 40 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới đã được các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) dựng lên nhằm ngăn chặn dòng chảy của hàng hóa.

Đây là con số lớn nhất mà WTO ghi nhận được kể từ năm 2012 khi tổ chức này bắt đầu theo dõi diễn biến của các biện pháp hạn chế nhập khẩu trên thế giới. Như vậy, trung bình mỗi tháng các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra 8 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới, trong đó có hàng rào thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, thuế xuất.

Đáng chú ý, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Mexico đồng loạt đề nghị WTO phân xử tính hợp pháp của việc Mỹ áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu, bất chấp Washington tuyên bố động thái này là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và vượt ngoài thẩm quyền của WTO.

WTO cũng đặc biệt quan ngại đến tác động của các chính sách thương mại mang tính đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, hay sắc thuế nhôm và thép mà Mỹ áp đối với nhiều quốc gia cũng như nguy cơ xảy ra các biện pháp trả đũa.

Một cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng lên tại Geneva (Thụy Sỹ) trong ngày 21/11, tại cuộc họp của WTO để xem xét các tranh chấp pháp lý liên quan đến chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) của WTO quyết định thành lập một số ban hội thẩm để xem xét quyết định mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra về việc áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm lá nhập khẩu từ nhiều quốc gia cũng như xử lý khiếu nại của Washington về các đòn trả đũa của đối tác.

Là sản phẩm từ thời kỳ chiến tranh lạnh, WTO được coi đại diện cho trật tự thế giới tự do mới, ít ra là trong lĩnh vực thương mại. Tổ chức này tự hào với một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại đầy quyền lực có tên gọi là Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp.

Một mặt cơ chế ràng buộc này được đánh giá là rào cản lớn chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế. Mặt khác, phạm vi bao trùm rộng lớn cũng như tác động của các quy tắc trong khuôn khổ của WTO đối với chính sách thương mại mỗi quốc gia cũng khiến nó trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục