Xác định nguyên nhân sụt lún đất tại Đà Lạt

16:05' - 22/06/2017
BNEWS Sau khi tiến hành nghiên cứu và khảo sát, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún, nứt đất như sau: khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.
Lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc tại số nhà 27C, để theo dõi tình trạng sụt lún đất. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có kết luận chính thức nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún, nứt đất tại đường Nguyễn Văn Trỗi (gần khu Hòa Bình, trung tâm thành phố Đà Lạt) khiến 13 căn nhà bị nứt và hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng. 

Sau khi tiến hành nghiên cứu và khảo sát, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún, nứt đất như sau: khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu; vị trí này trước đây là địa hình thung lũng do quá trình hình thành khu dân cư (đắp đất cải tạo mặt bằng) tạo thành nền đất nhân tạo, đồng thời có điểm đổ rác tự phát; đây cũng là nơi địa hình thung lũng có độ dốc 25 – 30 độ, trong khu vực có nước ngầm kết hợp khi mưa lớn làm mực nước dưới đất dâng cao tập trung tại vùng trũng làm tăng áp lực nước lỗ rỗng làm đất mềm nhão, dẫn đến mát ổn định dưới chân dốc, kết quả là phát sinh các khe nứt và trồi lên nhà và đường, nước bùn đỏ rò rỉ ở nền nhà, gây ra hiện tượng sụt, nứt đất.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng sụt lún, nứt đất là do mưa lớn kéo dài (khoảng 104mm trong suốt 4 ngày) làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực. 

Trên cơ sở xác định nguyên nhân vụ việc, tỉnh Lâm Đồng đã giao các sở, ngành chuyên môn phối hợp với chuyên gia đề xuất hướng xử lý hiện tượng trên, thống nhất thi công giếng thu nước tại khu vực sụt lún đất, tiếp tục duy trì hai bộ giãn kế và thiết bị cảnh báo để theo dõi, cập nhật số liệu… Đồng thời, giao thành phố Đà Lạt rà soát mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của các hộ dân bị nứt nhà để đề xuất hỗ trợ theo quy định. 

Như thông tin đã đưa, hiện tượng sụt lún, nứt đất trong khu dân cư đầu đường Nguyễn Văn Trỗi xuất hiện từ ngày 26/4 và ngày càng lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến 13 hộ dân xung quanh. Do nhiều căn nhà bị lún, nứt nên chính quyền địa phương đã vận động 45 hộ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia địa chất đến từ Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh để khảo sát, lắp đặt thiết bị quan trắc nhằm tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục hiện tượng bất thường này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục