Xác minh việc vườn bưởi da xanh hóa…bưởi “dại”

16:54' - 20/12/2021
BNEWS Chủ vườn tại Điện Biên “điêu đứng” khi số cây bưởi da xanh “hóa” thành…bưởi “dại” bởi màu sắc, kích thước, hình dáng quả, vị bưởi không phải bưởi da xanh như bên cung ứng cây giống đã cam kết.

Thực hiện Quyết định 02/2014/QĐ-UBND ngày 13/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn, tháng 7/2017, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng) hỗ trợ gia đình ông Lò Văn Tình (xã Ẳng Tở) trồng 330 cây cam Vinh, 120 cây xoài Đài Loan và 150 cây bưởi da xanh theo hình thức nhà nước hỗ trợ 50% giống cây, gia đình đối ứng 50%.

Sau hơn 4 năm bỏ công chăm sóc và kinh phí đầu tư, chủ vườn “điêu đứng” khi số cây bưởi da xanh “hóa” thành…bưởi “dại” bởi màu sắc, kích thước, hình dáng quả, vị bưởi không phải bưởi da xanh như bên cung ứng cây giống đã cam kết. 

* Bưởi da xanh…hóa bưởi “dại”

Không khó để chúng tôi tìm đến khu vườn của ông Lò Văn Tình bởi nhiều năm trước, chính quyền xã và UBND huyện Mường Ảng coi mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông là “điển hình”, nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập. 

Ông Lò Văn Tình cho biết, toàn bộ nguồn giống cây bưởi da xanh gia đình đăng ký qua Trạm Khuyến nông-khuyến ngư (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp - PV) của huyện Mường Ảng. Lúc bàn giao cây giống, bên cung ứng giống khẳng định là giống bưởi da xanh. Quá trình chăm sóc, vườn bưởi da xanh đã bước sang năm thứ 5. Đến khi cho quả lại không phải bưởi da xanh, gia đình phải bán với giá 1.000 đồng/quả, không bõ công chăm sóc, chi phí đầu tư.

Số lượng quả ít, chất lượng quả kém không bán ra thị trường được ông Lò Văn Tình phải chặt bỏ hết cành. Tại khu vườn của ông, qua khảo sát, những cây bưởi da xanh được gia đình đầu tư chi phí, dày công chăm sóc có đường kính gốc khoảng 15cm và chu vi vành thân hơn 40cm. Điều đáng nói, do không được hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành, chủ vườn đã tự tay cưa hạ, chặt bỏ cành cây theo cảm tính. Dưới gốc bưởi, nhiều quả rụng, héo úa, thối.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết, Phòng không phải chủ đầu tư trong việc triển khai Quyết định 02/2014/QĐ-UBND liên quan đến việc cấp cây giống cho chủ vườn là gia đình ông Lò Văn Tình.

Giải thích về hiện tượng bưởi da xanh biến thành bưởi “dại” tại khu vườn của ông Lò Văn Tình, ông Kiều Xuân Hoàng cho rằng, có thể đợt đó hỗ trợ cây ghép, người dân ngắt mầm ghép nên nó mới ra lại bưởi gốc. Khi tập huấn, người dân nếu nghe không chuẩn, không kỹ rất dễ làm gãy mầm ghép. Nếu đúng kỹ thuật, chỉ 3 năm, cây sẽ cho thu hoạch quả.

Làm việc với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng, 150 cây bưởi trồng tại khu vườn của gia đình Lò Văn Tình là do ông cung cấp giống. Về nguồn giống cây, cá nhân ông liên hệ mua ở Hà Nội.

Ông Hoàng Mạnh Hùng lý giải vì sao bưởi kém chất lượng: “Năm nay, chủ vườn để sai quả, con ruồi vàng châm nhiều nên quả bị rụng ”. Còn vì sao bưởi da xanh hóa “dại”, ông Hoàng Mạnh Hùng giải thích, “có thể nguồn cây giống cấp cho chủ vườn bị lẫn một số cây bưởi giống khác”.

Giải pháp xử lý đối vườn bưởi da xanh đã bị chặt hạ, cắt bỏ cành của chủ vườn Lò Văn Tình, ông Hoàng Mạnh Hùng cho biết, “sẽ ghép lại cây có chất lượng hơn, đảm bảo hơn”. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cách tốt nhất là để chủ vườn liên hệ với người trồng bưởi trên địa bàn xin hoặc mua nguồn mắt giống. Sau đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ ghép cây cho chủ vườn.

* Xác minh, xử lý nghiêm vụ việc

Tiếp nhận thông tin phản ánh, Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền xã Ẳng Tở kiểm tra, xác minh sự việc.

Tại báo cáo số 833/BC-UBND ngày 17/12/2021 của UBND huyện Mường Ảng về kết quả kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh việc hỗ trợ nhân dân giống cây ăn quả, nêu rõ: Chủ vườn Lò Văn Tình (xã Ẳng Tở) đăng ký mua giống xoài Đài Loan (120 cây), cam Vinh (330 cây) và bưởi da xanh (150 cây) được UBND huyện Mường Ảng phê duyệt hỗ trợ tại Quyết định số 1408/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 về việc phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 của Trạm Khuyến nông-khuyến ngư huyện.

Số cây giống này do ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông- khuyến ngư (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) liên hệ mua tại Hà Nội.

Qua kiểm tra, trong tổng số 150 cây bưởi da xanh ban đầu có 25 cây bưởi diễn và 20 cây bưởi đường. Từ khi trồng và chăm sóc, cây sinh trưởng, phát triển bình thường, đến năm 2020, cây ra hoa, quả nhưng chất lượng quả không cao, mẫu mã không đẹp, quả nhỏ.

Chính quyền huyện Mường Ảng kết luận nguyên nhân khiến bưởi da xanh hóa…bưởi “dại”: Về khách quan, chủ vườn trồng trên đất đồi, khô, độ ẩm thấp, để quả trên cây nhiều nên quả nhỏ, không mọng nước. Công tác phòng trừ bệnh ruồi vàng không kịp thời dẫn đến thối quả.

Về chủ quan, việc chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn chủ vườn thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Việc kiểm tra, hướng dẫn cho chủ vườn nhận biết giữa mắt ghép và mắt thực sinh để chăm sóc không cụ thể, rõ ràng từ khâu cấp giống đến kỹ thuật trồng nên khi ra quả, nhiều cây không phải bưởi da xanh.

Báo cáo số 833/BC-UBND chỉ rõ, ông Hoàng Mạnh Hùng (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) là người cung ứng giống cho gia đình chủ vườn, chịu trách nhiệm trước UBND huyện và gia đình chủ vườn. Ông Hoàng Mạnh Hùng chưa sát sao, chỉ đạo viên chức khuyến nông kiểm tra, theo dõi diện tích cây trồng đã hỗ trợ cho hộ gia đình. 

UBND huyện Mường Ảng chỉ đạo, yêu cầu cá nhân ông Hoàng Mạnh Hùng có trách nhiệm cải tạo, lai ghép giống bưởi có chất lượng hoặc trồng lại những cây phát triển kém theo yêu cầu của gia đình chủ vườn; đền bù và chịu trách nhiệm số lượng cây bưởi diễn, bưởi đường (tổng số 45 cây) trong 3 năm.

Toàn huyện Mường Ảng hiện có hơn 380ha cây ăn quả như cam, bưởi da xanh, xoài Đài Loan…Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chủ vườn thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ cây ăn quả theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đồng thời, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra toàn bộ diện tích cây ăn quả đã hỗ trợ nhân dân thuộc các dự án trồng cây ăn quả từ năm 2017 để có giải pháp xử lý kỹ thuật đối với cây trồng kém hiệu quả (nếu có), góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục